Vụ đánh bom “hủy diệt” ở Somalia khiến hơn 90 người thiệt mạng
Hiện các nhân viên an ninh và y tế tại thủ đô Mogadishu của Somalia đang dốc toàn lực để nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ đánh bom xe.
Vụ đánh bom xảy ra tại một trạm kiểm soát an ninh và nhằm vào một trung tâm thu thuế trong giờ cao điểm buổi sáng ở Mogadishu. Thị trưởng Mogadishu, ông Omar Mohamud Mohamed cho biết, con số thương vong nói trên mới chỉ là thống kê sơ bộ và không loại trừ khả năng con số này sẽ tiếp tục tăng.
Trong số các nạn nhân có 2 người quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát và rất nhiều sinh viên, dân thường đi trên xe buýt chạy qua khu vực đúng lúc xe bom phát nổ. Cảnh sát mô tả vụ đánh bom là hành vi "hủy diệt". Hiện khoảng gần 150 người khác nữa bị thương đã được đưa đến các bệnh viện tại Mogadishu để chữa trị.
Trong tuyên bố trên truyền hình, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmajo lên án vụ đánh bom đồng thời trấn an người dân rằng, đất sẽ không bị rơi vào bất ổn: “Động cơ của vụ tấn công là khủng bố tinh thần người dân và chính phủ Somalia. Người dân và chính phủ sẽ không bao giờ bị từ bỏ mục tiêu trong việc phát triển và xây dựng lại đất nước. Tôi đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ giúp đỡ những người bị thương trong vụ đánh bom và cung cấp cho họ bất cứ sự hỗ trợ nào mà họ cần. Tôi cũng yêu cầu người dân Somalia giúp đỡ các nạn nhân bằng mọi cách có thể”.
Hiện chưa có nhóm nào tuyên bố gây ra vụ tấn công này. Tuy nhiên, dư luận cho rằng dường như đây là vụ tấn công do nhóm al-Shabaab có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda thực hiện, do nhóm này thường xuyên tiến hành những vụ đánh bom tương tự. Trước đó vào tháng 10/2017, thủ đô Mogadishu của Somalia đã chứng kiến vụ đánh bom xe kinh hoàng khiến 512 người thiệt mạng và 295 người bị thương.
Somalia chìm trong tình trạng bạo lực vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi xung đột bùng phát giữa các nhóm vũ trang. Lực lượng Hồi giáo al-Shabaab đã tuyên bố trung thành với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và thực hiện nhiều cuộc tấn công khắp Somalia, tìm cách lật đổ chính quyền trung ương và lập ra một chính quyền dựa trên thực thi luật Hồi giáo hà khắc. Al-Shabaab đã bị đánh đuổi khỏi thủ đô Mogadishu năm 2011 và sau đó phải rút dần khỏi các thành phố lớn của Somalia. Tuy nhiên, hiện lực lượng này vẫn kiểm soát nhiều vùng tại nước này, thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công du kích hoặc đánh bom liều chết nhằm vào các mục tiêu cơ quan chính phủ hoặc an ninh./
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin