Quế Phong cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cùng đi có đồng chí Trần Văn Hùng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Đại tá Lê Như Cương - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành.
Làm việc với Đoàn công tác Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ huyện ủy Quế Phong có 7 kiến nghị, đề xuất mong muốn được tỉnh quan tâm giải quyết. Đặc biệt là đề nghị tỉnh xem xét, rút giấy phép của các công ty thuê đất lâm nghiệp nhưng không triển khai thực hiện để giao lại cho người dân trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Cùng với vấn đề thu hồi đất, huyện cũng mong muốn tỉnh có cơ chế đặc thù để địa phương phát triển kinh tế rừng như: trồng cây dược liệu, cây lấy gỗ...nhất là thu hút doanh nghiệp để tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Với 9 dự án thủy điện trên địa bàn(có 4 dự án đã đi vào hoạt động), Quế Phong kiến nghị cơ chế cho phép trích khoảng 10% thuế thu từ các dự án để huyện tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh tại các điểm tái định cư và xây dựng các công trình lớn cấp huyện. Một số vấn đề khác gồm: hỗ trợ kinh phí di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thuộc xã Thông Thụ; chấp thuận chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải huyện từ chôn lấp sang lò đốt; nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng nhà máy nước sạch thị trấn Kim Sơn; bố trí nguồn hỗ trợ 80% kinh phí kiên cố hóa kênh mương cho các huyện miền núi và giao cho UBND cấp huyện thực hiện việc lập hồ sơ, quản lý hỗ trợ giống lúa thuần theo chính sách của HĐND tỉnh đã quy định...cũng được huyện Quế Phong kiến nghị tỉnh xem xét và chấp thuận.
Ý kiến của đại diện các Sở, ngành tại buổi làm việc cho rằng: huyện Quế Phong hiện đang đạt kết quả độ che phủ rừng rất tốt(trên 75%) nhưng bên cạnh độ che phủ của cây lấy gỗ thì cũng cần quan tâm phát triển diện tích các loại cây đặc sản của huyện, một số loại cây đã được đánh giá có tiềm năng, thế mạnh lớn như cao su. Với 1000ha hiện có, nếu mở rộng được khoảng 1.500ha cao su tiểu điền trong dân thì việc doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tại chỗ sẽ có tác động lớn đối với kinh tế, xã hội của huyện trong thời gian tới. Để góp phần giảm nhanh, bền vững tỷ lệ 32% hộ nghèo hiện nay, huyện cần tập trung đầu tư xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hộ. Trong xây dựng nông thôn mới cần rút kinh nghiệm không xây dựng tràn lan mà có kế hoạch, lộ trình đầu tư trọng điểm.
Khẳng định những việc mà huyện đã làm được là nỗ lực rất lớn nhưng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý: so với mục tiêu đề ra thì Quế Phong còn phải thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy tổng đầu tư toàn xã hội mạnh hơn nữa. Đó là: bình quân thu nhập đầu người, mục tiêu, kế hoạch số xã đạt nông thôn mới. Cụ thể, các chỉ tiêu đại hội về thu nhập bình quân đầu người (2018 mới đạt hơn 27 triệu đồng/người/năm so chỉ tiêu 37-38 triệu đồng/người/năm); thu ngân sách chỉ tiêu 60 – 65 tỷ mới đạt hơn 30 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới chưa đạt (chưa có xã nào đạt so chỉ tiêu 4 xã). Xác định tư duy, chính sách về khai thác, bảo vệ rừng; tranh thủ các nguồn lực, rà soát lại và tập trung tháo gỡ các vướng mắc để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư có hiệu quả.
Trước đó, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cùng đoàn công tác đã đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế của người dân do Đồn biên phòng Hạnh Dịch hỗ trợ, hướng dẫn; thăm mô hình trồng cam hàng hoá của người dân tại xã Quế Sơn.
Xuân Hướng - Cảnh Toàn