Cần có quy định, cơ chế rà soát hoạt động doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh
Hiện nay, mỗi tháng BHXH Nghệ An chi trả cho khoảng 170 ngàn người với số tiền hơn 650 tỷ đồng. Tuy vậy, theo cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, quá trình vận hành các loại quỹ BHXH, BHYT, BHTN đang bộc lộ khá nhiều bất cập. Đáng chú ý là các hành vi trốn đóng, nợ đọng, gian lận, trục lợi đang diễn ra với muôn hình vạn trạng. Năm 2018, tổng nợ 3 loại quỹ bảo hiểm là 205 tỷ đồng, chiếm hơn 3,6%.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng chi vượt dự toán trong khám chữa bệnh BHYT vẫn xảy ra; tình trạng giả mạo, làm sai lệch hồ sơ tham gia để trục lợi BHXH diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp; cơ chế vận hành quỹ BHTN đang đơn thuần hỗ trợ tài chính, không phát huy được mục tiêu hỗ trợ người lao động tái hòa nhập môi trường lao động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát. Xuất phát từ thực tế này, ngành BHXH tỉnh đề nghị cần có quy định, cơ chế rà soát chặt chẽ hoạt động DN sau đăng ký kinh doanh nhằm giúp cơ quan BHXH quản lý, liên hệ, đôn đốc đóng và thu hồi nợ phải đóng. Do thiếu cơ chế xử phạt, khởi kiện các cá nhân, doanh nghiệp chậm nộp, nợ đọng, trốn đóng BHXH nên cần nghiên cứu, ban hành quy định cho vấn đề này.
Việc điều chỉnh một một văn bản quy định pháp luật cũng là cần thiết khi các hình thức biến tướng để trốn tránh đóng BHXH hiện nay khá phổ biến như: ký hợp đồng thương quyền của các hãng vận tải; thuê nhân công ngoài phục vụ công trình xây dựng mà không ký hợp đồng...
Xuân Hướng - Trường Ca