Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về ATVSLĐ
Nghệ An hiện có hơn 13 nghìn Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động. Năm 2018, với sự tham mưu, kịp thời chỉ đạo, điều hành các sở, ban ngành địa phương và Doanh nghiệp, công tác An toàn vệ sinh lao động đạt được kết quả tích cực,việc chấp hành pháp luât về An toàn vệ sinh lao động ngày càng được nâng lên.Trong năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ tai nạn lao động làm 31 người bị nạn, giảm gần 45% số vụ, giảm 76% số người chết và 35% số người bị thương nặng so với năm 2017. Về cháy, nổ xảy ra 99 vụ, thiệt hại khoảng trên 9,1 tỷ đồng, tăng 34 vụ so với năm 2017.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng thực tế qua kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về An toàn vệ sinh lao động của nhiều Doanh nghiệp, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn còn hạn chế; nhiều lao động chưa chấp hành nghiêm pháp luật An toàn vệ sinh lao động, công tác phòng chống cháy, nổ. Một số DN máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu không đảm bảo an toàn; điều kiện làm việc còn nhiều yếu tố nguy hiểm chưa được khắc phục. Để thực hiện được 8 mục tiêu 8 giải pháp trong năm 2019, trong đó phấn đấu giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết so với năm 2018, các sở, ngành đã đặt ra nhiều vấn đề cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông lưu ý: Nghệ An là tỉnh có số Doanh nghiệp đông nên các thành viên Hội đồng ATVSLĐ, các Sở, ngành cần chỉ đạo để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ; tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm về vi phạm ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ nhất là tập trung vào các Doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các Sở ngành cần quan tâm đến vấn đề bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm rủi ro cho người lao động….
Thanh Hà - Ngọc Mai