Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản tại Nghệ An: Thúc đẩy đầu tư vào khu vực Bắc Trung Bộ
Dự hội nghị về phía Chính phủ, Bộ ngành TƯ có đ/c: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bùi Thanh Sơn - Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Võ Sỹ Hiệp – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đặng Hoàng Nam – Thứ trưởng Bộ Công thương; Vũ Bình – Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fugaka Nhật Bản.
Hội nghị còn có sự tham dự của ngài Umeda Kunio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng đoàn công tác; lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Về phía tỉnh Nghệ An, có các đ/c Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy cùng khoảng 500 đại biểu trong và ngoài nước.
Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Bắc Trung Bộ 2019” nằm trong chuỗi các sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” do Bộ Ngoại giao tổ chức hàng năm với quy mô liên kết vùng nhằm kết nối các đối tác Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực với các địa phương Việt Nam.
Thúc đẩy hợp tác, đầu tư, thương mại trên các lĩnh vực giữa khu vực Bắc Trung Bộ và Nhật Bản
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định đây là cơ hội kết nối, chia sẻ thông tin, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác, đầu tư, thương mại trên các lĩnh vực cùng quan tâm giữa chính quyền và doanh nghiệp các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ với các đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thông tin với hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết năm 2018, GDP của Việt Nam tăng 7,08%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Ðáng chú ý là trong năm qua. Quy mô kinh tế Việt Nam (240,5 tỷ USD) hiện đứng thứ 44 trên thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương. GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD (khoảng 7.680 USD theo sức mua tương đương). Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2018 đã đạt trên 482 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 245 tỷ USD. Việt Nam là thành viên WTO, đang thực hiện cam kết của 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP. Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) đánh giá Việt Nam nằm trong 12 quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay có gần 26.000 doanh nghiệp FDI đến từ 130 quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD.
Cùng với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và thụ hưởng các thành quả phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chính phủ và nhân dân Việt Nam ý thức rõ rằng trong những thành quả đạt được, có sự giúp đỡ và đóng góp to lớn của bạn bè – đối tác quốc tế, trong đó Nhật Bản là một người bạn, một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao sự giúp đỡ và đóng góp to lớn của Nhật Bản, đã góp phần để Việt Nam đạt những thành quả quan trọng. Trong gần 30 năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác lớn nhất về ODA, thứ hai về đầu tư FDI, thứ ba về du lịch và thứ tư về trao đổi thương mại. Hiện Nhật Bản đã trở lại vị trí đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong các năm 2017 và 2018 với tổng giá trị FDI lần lượt là 9,1 tỷ USD và 8,6 tỷ USD.
"Chính phủ Việt Nam và các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tác Nhật Bản mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác, đầu tư kinh doanh tại khu vực này" - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, khu vực Bắc Trung bộ nói chung và Nghệ An nói riêng nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt; hội tụ không ít lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung bộ.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các địa phương Bắc Trung bộ cần tích cực hơn nữa, đổi mới hơn nữa, và sáng tạo hơn nữa để tăng cường hợp tác với các đối tác Nhật Bản thiết thực, hiệu quả, có chính sách đáp ứng tốt hơn nữa mong muốn của các đối tác Nhật Bản, đưa khu vực Bắc Trung Bộ thực sự trở thành điểm đến hứa hẹn và hấp dẫn với du khách, doanh nghiệp và các nhà đầu tư Nhật Bản.
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các đối tác Nhật Bản
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh: những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng và hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Việt Nam nói chung, các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu để hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục – đào tạo...
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng thông tin về các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn chưa được quảng bá sâu rộng đến các đối tác Nhật Bản. Vì vậy, thông qua hội nghị lần này sẽ là diễn đàn hữu ích để tỉnh Nghệ An nói riêng và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nói chung quảng bá tiềm năng, thế mạnh và khả năng hợp tác nhiều mặt với các đối tác Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để đại diện đến từ Đại sứ quán, các tổ chức Kinh tế, Văn hóa, các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội đến từ Nhật Bản trải nghiệm thực tế, nắm bắt thêm thông tin về kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, từ đó có các hoạt đông thiết thực nhằm tăng cường sự hợp tác, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế hiệu quả vào khu vực Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý, mỗi tỉnh có những lợi thế riêng nhưng đều chung một mục đích là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt với các đối tác Nhật Bản, vì vậy, đ/c Thái Thanh Quý mong muốn thông qua Hội nghị, được lắng nghe những ý kiến, những chia sẻ kinh nghiệm từ Đại sứ quán, các tổ chức Kinh tế - Văn hóa, các doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương Nhật Bản tham dự hội nghị. Qua đó, giúp cho các tỉnh vùng Bắc Trung bộ nói chung, Nghệ An nói riêng tiếp cận được các nguồn lực hợp tác cũng như quảng bá hình ảnh của tỉnh mình trong mắt bạn bè Nhật Bản.
Nhật Bản coi trọng các dự án đường cao tốc
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua đánh giá cao sự đồng hành và quan tâm của Chính quyền các địa phương Việt Nam, trong đó có các tỉnh, thành khu vực Bắc Trung bộ đối với sự phát triển của doanh nghiệp Nhật Bản tại địa phương; đánh giá cao các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương thời gian qua nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Ngài Đại sứ cũng trao đổi giữa Việt Nam – Nhật Bản hiện đã có 64 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các địa phương. Trong đó, 6 tỉnh Bắc Trung bộ cũng đã ký kết 9 thỏa thuận hợp tác, riêng Nghệ An có 1 thỏa thuận được ký kết. Sự giao thoa về mặt kinh tế, văn hóa, thể thao đang được thúc đẩy mạnh mẽ giữa 2 nước. Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia hàng đầu đầu tư vào Việt Nam với 1.000 doanh nghiệp. Vài năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng quan trọng với Nhật Bản. Nền kinh tế của Nhật Bản đang được duy trì bởi người trẻ Việt Nam với khoảng 300.000 người, tăng gấp 7 lần. Đại sứ Nhật Bản cũng cho rằng thực tế vẫn còn nhiều công ty đào tạo lừa đảo các bạn trẻ, dẫn đến phải chịu các khoảng vay lớn để sang Nhật Bản học tập, lao động. Đây là hành động phạm pháp tại Nhật Bản, vì vậy cần sự phối hợp của 2 nước để tăng cường kiểm tra, quản lý.
3 phiên thảo luận diễn ra tại hội nghị: Hợp tác phát triển, Hợp tác địa phương, Văn hóa – Du lịch, Hợp tác lao động và Hợp tác kinh tế
Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra 3 phiên thảo luận, bao gồm Hợp tác phát triển, Hợp tác địa phương, Văn hóa – Du lịch, Hợp tác lao động và Hợp tác kinh tế. Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như định hướng thu hút, sử dụng ODA Nhật Bản tại Việt Nam và khu vực Bắc Trung Bộ, các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; mục tiêu và ý nghĩa của Dự án Kết nối hành lang kinh tế Đông Tây; hợp tác phát triển liên kết vùng khu vực Bắc Trung Bộ, các lĩnh vực như thu hút FDI, hợp tác nguồn nhân lực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, du lịch, giáo dục đào tạo và lao động.
Đặc biệt, tại phiên 2, đại sứ quán Nhật Bản Okabe Daisuke đã phân tích rõ tình hình hợp tác cấp địa phương Nhật Bản – Việt Nam; Đại diện Japan Foundation đã đánh giá những bước phát triển trong quan hệ giao lưu văn hóa giữa các địa phương Việt Nam – Nhật Bản thời gian qua, giới thiệu các dự án hợp tác của Japan Foundation tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Đại diện JNTO cũng đã nêu thực trạng và xu thế hợp tác du lịch Việt Nam- Nhật Bản. Đồng thời gợi ý cho các địa phương Bắc Trung Bộ trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản. Đại diện IM Japan cũng đã trao đổi và thảo luận về tình hình hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua. Điều chỉnh mới trong chính sách tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản; những điểm cần lưu ý đối với Việt Nam.
Lãnh đạo địa phương khu vực Bắc Trung bộ cũng đã chia sẻ về một số dự án trọng điểm mang tính liên khu vực, liên vùng với sự hỗ trợ của Nhật Bản; khẳng định Nhật Bản là đối tác hợp tác ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương; khẳng định quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác Nhật Bản đến đầu tư tại địa phương.
Bế mạc hội nghị, đ/c Bùi Thanh Sơn - Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đánh giá cao kết quả hội nghị; Phiên thảo luận có trọng tâm trọng điểm, phù hơp với nhu cầu các địa phương khu vực Bắc Trung bộ, thế mạnh của các cơ quan Trung ương, địa phương Nhật Bản. Những lĩnh vực tập trung thể hiện tại hội nghị đã thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 bên trong thời gian tới, tập trung lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kết nối giữa các địa phương Bắc Trung bộ với các tỉnh khác, với hành lang kinh tế Đông Tây. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cũng ghi nhận kết quả hội nghị đã thể hiện sự chu đáo, năng lực hợp tác của các địa phương và cơ quan Trung ương trong hợp tác nói chung, Nhật bản nói riêng. Đây là cơ sở tốt để mở rộng hợp tác trong thời gian tới. Vì vậy các địa phương cần có chính sách, kết hoạch hợp tác phù hợp.
Bên lề hội nghị sẽ diễn ra các cuộc gặp giữa Lãnh đạo các địa phương các tỉnh Khu vực Bắc Trung Bộ với Đại sứ Nhật Bản và đại diện các cơ quan/tổ chức quốc tế Nhật Bản (G2G), giữa Lãnh đạo các địa phương với các doanh nghiệp Nhật Bản (G2B) và giữa các doanh nghiệp hai nước (B2B).
Hiến Chương - Thùy Dương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin