Sức lan tỏa từ những tấm gương điển hình học và làm theo Bác
Các đ/c Kha Văn Tám –Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Thị Hoài Chung – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện thành thị và Đảng ủy trực thuộc; các điển hình tập thể và cá nhân trong thực hiện Chỉ thị 05 của tỉnh.
Trong 3 năm qua, việc triển khai thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị được tiến hành sâu rộng, đồng bộ trong toàn tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện Chỉ thị, tuyên truyền những cách làm hay, mô hình tốt, các gương điển hình tiêu biểu được tiến hành kịp thời, có hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở.
Ba nội dung đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05
Phát biểu đề dẫn khai mạc buổi tọa đàm, đ/c Lê Thị Hoài Chung nhấn mạnh: Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có các hình thức triển khai thực hiện đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo các bộ, đảng viên, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp tham gia. Việc tổ chức học tập các chuyên đề hàng năm; xây dựng kế hoạch của các tập thể, cá nhân, rà soát, bổ sung các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tiến hành nghiêm túc, có chất lượng. Việc xác định và tổ chức thực hiện các nội dung đột phá đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện Chỉ thị 05. Theo đó, ở cấp tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy xác định 3 nội dung đột phá và đã chỉ đạo thực hiện khá tốt, bao gồm: xây dựng hình ảnh người đảng viên Nghệ An mẫu mực; đổi mới tư duy, thực sự cầu thị, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực trong thu hút đầu tư; Tiếp tục duy trì các cuộc vận động, các mô hình thiết thực, hiệu quả giúp đỡ người nghèo, xã, bản nghèo phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Ở cấp huyện và cơ sở, các địa phương, đơn vị đã lựa chọn một số nội dung đột phá cụ thể để tổ chức thực hiện bước đầu đạt kết quả khá tốt trong xây dựng văn minh đô thị, đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường, GPMB, thu hút đầu tư, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng, bức xúc của nhân dân, doanh nghiệp, xây dựng NTM, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tiết kiệm giúp XĐGN, tự đào tạo, tập huấn, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử, CCHC, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật.
Từ đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành nề nếp của các tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị, thành ý thức tự giác, việc làm thường xuyên trong cán bộ, đảng viên, có sức lan tỏa lớn và từng bước phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống; xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu tập thể, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội..
Tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố và phát triển hệ thống chính trị
Thực hiện Di chúc của Người, trong 50 năm qua, Đảng bộ, nhân dân Nghệ An đã đoàn kết, thống nhất, phát huy tốt nội lực, thu hút ngoại lực, nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế-xã hội có bước tăng trưởng khá, bền vững. Quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Cấp ủy các cấp thường xuyên chú trọng đổi mới công tác giáo dục, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đoàn kết trong nội bộ, sự đồng thuận trong nhân dân.
Việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả trong công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân. Sau kiểm điểm, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên được nâng lên; cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nội bộ đoàn kết, tính cộng sự, thống nhất cao đã góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường đã góp phần tích cực ngăn ngừa, hạn chế vi phạm, phòng chống tham nhũng lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ những việc làm cụ thể có ý nghĩa thiết thực của các mô hình hay, đề xuất cách làm mới, hiệu quả của các tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các đ/c là trưởng, phó ban Tuyên giáo đã chia sẻ những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị 05. Đồng thời, thảo luận, phân tích những tồn tại, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó xác định và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tốt Chỉ thị 05 trong thời gian tới sát với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, từng vị trí công tác của cán bộ, đảng viên.
Tại huyện Anh Sơn, đã có hơn 120 cán bộ chủ chốt thực hiện đăng ký nêu gương hằng năm. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 160 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân theo hình thức hội nghị( cả định kỳ và đột xuất). Trong đó cấp huyện 85 cuộc, cấp cơ sở 75 cuộc, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm liên quan đến quyền lợi chính đáng của nhân dân như lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; việc thực hiện các chế độ, chính sách; xây dựng nông thôn mới; cải cách thủ tục hành chính và thực thi công vụ… Nhiều đơn vị, ngành chức năng trên địa bàn huyện Anh Sơn đã thẳng thắn nhìn nhận rõ vấn đề, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhiều bức xúc nổi cộm ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An có nhiều sáng tạo trong xây dựng các mô hình, các cấp hội từ tỉnh, huyện đến cơ sở có hàng chục mô hình. Trong đó, hội tập trung thực hiện chủ yếu 2 mô hình bao gồm: Đổi mới tác phong lề lối làm việc. Nổi bật như mô hình “Nhật ký thăm hộ” của Hội phụ nữ Yên Thành. Mô hình thứ 2 đó là: Nhân đạo từ thiện. Các cấp hội phụ nữ phát huy tinh thân tương thân tương ái, quan tâm giúp đỡ chia sẻ các hoàn cảnh khó khăn, các phong trào được đông đảo chị em hội viên tích cực hưởng ứng như: “Ống tiền tiết kiệm”, “Mái ấm tình thương", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, ”Bát cháo tình thương”, “Nhận con nuôi"...
Mỗi năm các cấp hội góp hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, được các cấp các ngành ghi nhận, đã tạo sự gắn kết giữa hội viên và các tổ chức.
Những tấm gương bình dị trong Học tập và làm theo Bác
Đến từ bản vùng sâu vùng xa của huyện Tương Dương, ông Và Ga Sua - Bí thư chi bộ bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai đã chia sẻ về cách làm của đơn vị mình trong thực hiện Chỉ thị 05. Ông cho biết, Huồi Cọ là bản giáp biên giới Việt Lào, nằm cách trung tâm huyện 180 km, có chiều dài giáp biên giới với nước bạn Lào 4 km. Cả bản có 51 hộ, 322 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Chi bộ có 19 đảng viên.
Địa hình ở đây phức tạp, đường xá đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Năm 2016 khi huyện có chủ trương hỗ trợ đầu tư trồng và phát triển cây chanh leo tại xã Nhôn Mai, trọng tâm là các bản người Mông sinh sống, nơi có thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với cây chanh leo, Chi ủy, chi bộ bản Huồi Cọ dưới sự chỉ đạo của Bí thư chi bộ Và Ga Sua đã bàn bạc và đưa ra Nghị quyết chuyên đề thành lập HTX, chỉ đạo phát động đồng bào chuyển đổi từ phát nương làm rãy sang tập trung trồng chanh leo, trồng xen dưa chuột, thả gà dưới tán chanh leo...
Nhờ đầu tư đúng hướng, đến nay cây chanh leo đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của bản Huồi Cọ. Năm 2019, toàn xã đã trồng được hơn 50ha chanh leo, năng suất, sản lượng tăng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 8-10 triệu đồng/người/năm. Đến nay, bản Huồi Cọ chỉ còn 17 hộ nghèo, giảm từ 68% xuống còn 33% hộ nghèo. Phấn đấu đến năm 2020 bản không còn hộ nghèo và xây dựng bản Huồi Cọ trở thành bản NTM đầu tiên ở giáp biên giới Việt-Lào.
Ông Sầm Văn Bình, một người con dân tộc Thái ở bản Yêm Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, bằng lòng say mê, tâm huyết từ năm 2006 đến nay, ông đã sưu tầm, nghiên cứu về văn học nghệ thuật, tiếng nói chữ viết và phong tục tập quán dân tộc Thái, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ông đã tham gia biên soạn tài liệu hướng dẫn và truyền dạy, phổ biến chữ Thái hệ Lai-tay, là chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai-Tay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp”.
Đồng thời, nghiên cứu thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính. Việc truyền dạy chữ Thái của ông được tiến hành song song ở cả ba kênh: trực tiếp dạy tại CLB chữ Thái, lớp đào tạo giáo viên cho dự án Lai-Tay và các lớp cộng đồng và tại các TTGDTX tỉnh và các huyện. Bản thân ông được vinh danh là nhà khoa học tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Khoa học và Công nghệ của tỉnh Nghệ An. Với sự đóng góp của ông, Sở VHTT tỉnh Nghệ An đang làm hồ sơ đề nghị đưa chữ Thái thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lan tỏa những điển hình trong thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Qua chia sẻ của các tập thể, cá nhân tại buổi tọa đàm có thể khẳng định: 3 năm thực hiện, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 và các chuyên đề hàng năm đã được triển khai kịp thời. Việc “Học tập và làm theo, theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện NQTW4 khó XII ngày càng được thực hiện nghiêm túc, trở thành việc làm thường xuyên đã tạo được những chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc nêu gương ngày càng được cụ thể hóa, việc xây dựng kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên ngày càng thiết thực, bám sát điều kiện thực tiễn địa phương, đơn vị cũng như nhiệm vụ được phân công của từng cá nhân.
Đặc biệt, các phong trào tương thân, tương ái giúp đỡ người nghèo, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, tiếp tục được duy trì và phát huy với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tụy, đổi mới lề lối, tác phong, làm việc sâu sát cơ sở, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân được đồng nghiệp, nhân dân nơi cư trú đánh giá, tôn vinh, tạo được nhiều việc làm tốt có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Từ những kết quả đạt được, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực và yêu cầu phải thường xuyên tự giác trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhằm khắc phục các hạn chế, vi phạm về đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện tốt nội dung của chuyên đề năm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”; Thực hiện tốt đợt thi đua “Nghệ An làm theo lời Bác dặn” trên địa bàn toàn tỉnh nhân 50 năm Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An, 50 thực hiện Di chúc của Người; Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trong thực hiện Chỉ thị 05; Tăng cường, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị 05, NQTW4 khóa XII, Quy định số 08, qua đó phát hiện những cách làm hay, hiệu quả, thiết thực để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiến Chương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin