Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đại diện các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long chủ trì.
Trong 3 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của các Bộ, ban ngành và địa phương, công tác an toàn thực phẩm đã có sự chuyển biến rõ rệt và tích cực. Bước đầu hoàn thiện thể chế quản lý, tiếp cận phương thức quản lý thực phẩm dựa trên quản lý nguy cơ, tạo điều kiện thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường hậu kiểm, tạo cơ hội cho sản xuất thực phẩm phát triển. Hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn có bước phát triển mạnh mẽ. Nông sản thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều cường quốc trên thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của cả cộng đồng được nâng cao.
Tuy vậy, vấn đề ATTP vẫn còn những khó khăn, thách thức như: cả nước vẫn còn tới 8 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ gây nhiều nguy cơ về ATTP. Việc kiểm soát giết mổ, sử dụng, lạm dụng hoá chất, kháng sinh, thuốc BVTV trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hết sức khó khăn; tình trạng thực phẩm nhập lậu diễn biến phức tạp: nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể còn cao; tình trạng mua bán, kinh doanh thực phẩm trên internet vi phạm quy định pháp luật còn nhiều; nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm hạn chế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: ATTP là vấn đề cấp thiết không chỉ hiện nay và cả mai sau bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Vấn đề ATTP thể hiện sức mạnh tập thể, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Hiện nay đã có nhiều địa phương quy hoạch đươc vùng chuyên canh lớn, công nghệ hiện đại với mục tiêu sản xuất sản phẩm sạch, an toàn. Tình trạng sản xuất kiểu lợn 2 chuồng, rau 2 luống đã giảm cơ bản..
Đề cập những giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo Thủ tướng, cần phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Trung ương ban hành văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2020 phải có những chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa về công tác an toàn thực phẩm ở tất cả các cấp.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về an toàn thực phẩm, có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, đề xuất mô hình tổ chức quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương. Bài toán lớn hiện nay là quy hoạch các vùng sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm an toàn, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Hoàn thiện đề án phát triển nông sản hữu cơ, trình Thủ tướng phê duyệt.
Một giải pháp trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thủ tướng dẫn chứng, vào ngày 23 tháng Chạp, lễ cúng ông Công, ông Táo sắp tới, người dân thường thả cá rồi bỏ túi nilon thì môi trường sẽ không tốt. Do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để giáo dục, nâng cao ý thức của người dân.
Sau hội nghị này, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp các ý kiến, hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin