Theo nhiều chủ cơ sở mộc mỹ nghệ ở xã Quỳnh Hưng, cứ từ tháng 9 âm lịch hằng năm, lượng khách đặt hàng tăng khoảng 2 lần so với thời điểm giữa năm. Bởi tâm lý chung của nhiều người là muốn sắm sửa cho gia đình mình một vài thứ gì đó để đón chào năm mới.
Dịp cuối năm cơ sở mộc của ông Nguyễn Văn Quang, xã Quỳnh Bá bận rộn hơn vì phải làm tăng ca để kịp giao hàng cho khách. |
Bà Phạm Thị Đồng, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc Văn Đồng, xóm 3, xã Quỳnh Hưng cho biết, hiện nay, lượng hàng mà cơ sở bà nhận đặt đã lên hơn 100 đơn với đầy đủ các mặt hàng. Để thu hút khách hàng, cơ sở phải cải tiến mẫu mã, chất lượng và kỹ thuật, đồng thời ổn định về giá. Đơn cử như một bộ bàn ghế đẹp hiện có giá khoảng 40 triệu đồng, còn nếu ở mức trung bình có giá khoảng 25 triệu đồng, chỉ cao hơn trước từ 2-3 triệu đồng. Hay như 1 giường gỗ lát đẹp, kiểu cách hiện đại có giá 10 triệu đồng, cao hơn trước khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
“Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm đồ thờ cúng tăng mạnh nhất, tăng khoảng 70% so với trung bình các tháng trong năm. Nhu cầu các mặt hàng đồ gỗ như giường, tủ, quần áo…cũng tăng gấp đôi, vì cuối năm cũng là mùa cưới" - bà Đồng cho biết thêm.
Nhu cầu các mặt hàng đồ gỗ như giường, tủ, quần áo…cũng tăng gấp đôi, vì cuối năm cũng là mùa cưới, |
Toàn xã Quỳnh Hưng hiện có 2 làng nghề mộc Nam Thắng và Thuận Giang với hơn 250 hộ dân tham gia làm nghề. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề mộc xã Quỳnh Hưng bao gồm: Bàn ghế cao cấp Âu Á, giường cô chủ nhỏ, tủ kệ, tủ quần áo, bàn thờ tổ tiên, ông tài ông địa…Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, lượng khách đến mua hàng có giảm. Tuy nhiên, để làng nghề mộc phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, các hộ làm nghề mộc đã chủ động chuyển đổi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất theo hướng cơ khí hóa, điện khí hóa. Với sự đầu tư mạnh về máy móc, cùng với những người thợ có tay nghề cao, nghề mộc Quỳnh Hưng đang hướng tới những thị trường lớn hơn và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Lương trung bình của thợ chính hơn 300 nghìn đồng/công/lao động, thợ phụ 250 nghìn đồng, còn thợ đánh giấy ráp từ 180 - 200 nghìn đồng. |
Ông Vũ Ngọc Lâm - Trưởng ban quản lí làng nghề mộc Nam Thắng, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Vào dịp tết khách hàng mua giường tủ bàn ghế nhiều hơn, để giữ được thương hiệu làng nghề lâu dài và bền vững chúng tôi cũng động viên các cơ sở nên làm nghề phải cẩn thận, phun sơn, đánh dầu đến nơi đến chốn”.
Cùng với làng nghề mộc ở Quỳnh Hưng, thì hiện nay các hộ dân ở làng nghề mộc Quỳnh Bá cũng đang hối hả sản xuất. Theo các thợ mộc ở đây, nghề mộc làm quanh năm nhưng cứ vào dịp tết nhu cầu mua sắm bàn ghế, giường tủ, đồ thờ, tăng nên cả làng chạy theo thời gian để kịp các đơn hàng.
Trung bình cơ sở của ông Nguyễn Văn Quang ở xóm 4, xã Quỳnh Bá duy trì từ 10 đến 15 công nhân lao động. |
Ông Nguyễn Văn Quang, ở xóm 4, xã Quỳnh Bá cho biết cơ sở của gia đình ông duy trì từ 10 đến 15 công nhân lao động. Bình thường mỗi ngày họ chỉ làm 8 tiếng/ngày, nhưng nay phải tăng ca làm thêm 2- 3 tiếng/ngày, không kể buổi trưa hay tối, miễn sao làm kịp hàng để giao cho khách.
Làng nghề mộc Quỳnh Bá được UBND tỉnh công nhận năm 2011, hiện nay có 65 hộ tham gia làm nghề, thu hút gần 200 lao động địa phương và thu nhập bình quân mỗi lao động từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Tất cả các sản phẩm của làng nghề đều làm bằng tay là chủ yếu, được chạm khắc cẩn thận nên có đường nét sắc sảo, tinh tế. Nhờ sản xuất kinh doanh có uy tín, nên nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đã tìm đến làng đặt mối làm ăn lâu dài.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: “Trong năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nhưng làng nghề mộc Quỳnh Hưng vẫn thu nhập trên 16 tỷ đồng, làng nghề sản xuất chủ yếu các hàng mộc mỹ nghệ đã có thương hiệu trên thị trường, hiện nay nhiều nơi đến mua hàng ở Quỳnh Bá".
Sản phẩm của làng nghề đều làm bằng tay, được chạm khắc cẩn thận nên có đường nét sắc sảo, tinh tế. |
Theo thống kê, toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 7 làng nghề mộc tập trung ở 6 xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng và Quỳnh Minh.. với hơn 700 hộ tham gia sản xuất, doanh thu trung bình năm 2020 đạt gần 130 tỷ đồng. Ngoài các cơ sở đang hoạt động tại 7 làng nghề, toàn huyện hiện còn có khoảng 200 hộ cũng mở xưởng tại nhà, nằm rải đều ở tất cả các xã, thị trấn. Trung bình mỗi cơ sở có từ 2-3 thợ chính, 1-2 thợ phụ. Hiện, lương của thợ chính đạt hơn 300 nghìn đồng/công lao động, thợ phụ 250 nghìn đồng, còn thợ đánh giấy ráp từ 180 - 200 nghìn đồng.
Các hộ làm nghề mộc đã chủ động chuyển đổi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất theo hướng cơ khí hóa, điện khí hóa. |
Thời điểm cuối năm, việc sản xuất có vất vả hơn ngày thường bởi lượng khách đặt hàng đông, không ít cơ sở còn nhận được các đơn đặt hàng đến hết tháng 2-3 âm lịch năm sau. Điều này, hứa hẹn về một năm mới với những bận rộn và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin