Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến bàn giải pháp chống dịch

15:02, 29/05/2021

Sáng 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Hội nghị được trực tuyến với 63 tỉnh, thành và các điểm cầu tại những huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ ngành.

Tại điểm cầu Nghệ An có sự tham dự của các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: VGP
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: VGP

Đến 6h sáng nay (29/5), Bộ Y tế công bố thêm 87 bệnh nhân Covid-19 trong nước, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 6.657 trường hợp, với 5.164 ca lây nhiễm trong nước. Như vậy, đã có thêm 2 tỉnh mới ghi nhận ca Covid-19 trong nước tại đợt dịch thứ 4 này là Bạc Liêu và Gia Lai, nâng tổng số địa phương có ca mắc lên 33 tỉnh, thành phố.

Một số ổ dịch đang diễn biến phức tạp và có số ca tăng nhiều trong những ngày gần đây: ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (TP.HCM); ổ dịch tại khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; ổ dịch tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Trước diễn biến mới và phức tạp của đợt dịch thứ 4, khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải đề ra giải pháp để thần tốc, quyết liệt, hiệu quả hơn trong phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Tại hội nghị, các địa phương hiện đang là vùng nóng bùng phát dịch như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đã chia sẻ những giải pháp đang được kích hoạt để phòng và dập dịch với tinh thần thần tốc, quyết liệt để ứng phó với dịch nhưng cũng rất linh hoạt trong từng tình huống cụ thể. Trong đó, ưu tiên chống dịch nhưng vẫn đảm bảo điều kiện an toàn để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.

Kết quả truy vết nguyên nhân bùng phát dịch tại các KCN cho thấy nguồn lây đều xuất phát từ cộng đồng vào nhà máy. Do đó, kinh nghiệm để các địa phương, doanh nghiệp phòng chống dịch hiệu quả vẫn là kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm từng đối tượng trước khi vào nhà máy. Đồng thời, khi phát hiện ca bệnh, nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa, truy vết là các yếu tố quyết định.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.

Ở Nghệ An, hiện nay Khu kinh tế Đông Nam và các KCN có 128 dự án đang hoạt động với hơn 28.000 lao động làm việc. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng đã hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia. Cùng với các giải pháp khác, hiện đã yêu cầu tạm ngừng tuyển dụng, điều chuyển người lao động từ địa phương có ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19; thành lập Ban chi đạo, chủ động xây dựng các phương án cách ly, xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 tại doanh nghiệp và trong KCN; kích hoạt các “Tổ an toàn Covid”, xây dựng cơ sở dữ liệu công nhân lao động. Cùng với đó, lên phương án tiêm vaccine cho công nhân trong khu kinh tế và các KCN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các lực lượng trên tuyến đầu, đặc biệt là các lực lượng y tế, quân đội, công an, các địa phương có dịch và đại đa số nhân dân cùng với Đảng, Nhà nước, các lực lượng chức năng phòng, chống dịch có hiệu quả.

Để thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt được dịch bệnh đang bùng phát, nhất là tại các địa phương, địa bàn trọng điểm, các khu công nghiêp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cần quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, nhưng lúc này phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị và trong toàn dân với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và tập trung cao hơn nữa; nhưng phải trọng tâm, trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch nhanh hơn nữa; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, phải nắm chắc và dự báo sát tình hình, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công nhưng phải lấy tấn công là chính, đột phá; lấy phòng ngừa là chiến lược, cơ bản, thường xuyên, lâu dài, có tính quyết định; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch; ngược lại không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi có dịch dẫn đến các quyết định không phù hợp, kém hiệu quả.

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân, nhất là người đứng trên mọi đơn vị công tác trong hệ thống chính trị phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tinh thần yêu nước, tất cả vì Nhân dân. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ vào các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống, dịch.

Các đại biểu theo dõi hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.
Các đại biểu theo dõi hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.

Đặc biệt, theo Thủ tướng phải huy động được sự vào cuộc hiệu quả của Nhân dân, phương châm là mỗi người phải tự bảo vệ mình, tức là bảo vệ cộng đồng; bảo vệ cộng đồng tức là bảo vệ chính mình; bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng tức là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, nhanh chóng, kịp thời đưa ra các quyết định để thực hiện có hiệu quả; cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước các quyết định; đồng thời phân công, phân định rõ ràng. Cùng với đó vừa làm, vừa hoàn thiện các thể chế, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chống dịch một cách căn cơ, bài bản, có hệ thống; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ phải kịp thời tháo gõ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “3 không”: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu các cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, phương tiện, vật tư y tế, thuốc men… Nếu vượt qua thẩm quyền phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét kịp thời.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện chiến lược vaccine theo hướng tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, không để chậm trễ; đồng thời nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; tuyên truyền, tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách có hiệu quả cho các lực lượng, địa bàn trọng điểm, giải thích cho nhân dân đây là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

Đặc biệt, phải phòng, chống dịch bệnh từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch, với phương châm: “5K + vắc-xin + công nghệ (truy vết, kiểm soát an toàn trước Covid-19)…”; phòng bệnh phải thường xuyên, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19; kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh và cư trú trái phép.

Ban quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân và người dân; Bộ Y tế huy động nguồn lực các trường y để hỗ trợ lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, mọi cơ quan, tổ chức, địa phương trong điều kiện có thể của mình đóng góp trí tuệ, ý kiến, phương pháp, tiền của… cho công tác phòng, chống dịch Covid -19, nhất là để mua vaccine./.

Xuân Hướng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm