Thời sự - Chính trị

Thủ tướng: Chống cạnh tranh khi mua vaccine

08:13, 22/06/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chống cạnh tranh giữa tư nhân và nhà nước; chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm sinh phẩm, vaccine.

Chiều 21/6, chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống Covid-19, Thủ tướng lưu ý các ngành đẩy mạnh mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể, thống nhất một mối, phối hợp tốt để cấp phép, quản lý, đảm bảo chất lượng.

Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cần "thần tốc, mạnh mẽ" hơn, đưa sản phẩm vào thử nghiệm rộng rãi; xây dựng chiến dịch tiêm vaccine ở tất cả tỉnh, thành và bộ, ngành. Các đơn vị cần truyền thông bình đẳng cho các nguồn vaccine để người dân không so bì, chờ đợi.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể bùng phát bất cứ nơi nào, lúc nào. "Do đó, chúng ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác và cần rút kinh nghiệm trong phòng, chống dịch để điều chỉnh cách làm, cách tiếp cận, phù hợp với tình hình mới", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chính phủ biểu dương Bộ Y tế, TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM đã có nhiều nỗ lực trong chống dịch nên tình hình "có chiều hướng tốt".

Nhắc lại quan điểm "chống dịch như chống giặc", Thủ tướng yêu cầu các địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; sẵn sàng 4 tại chỗ để ứng phó, không trông chờ, ỷ lại Trung ương; không mong đợi sự giúp đỡ của các cơ quan, tỉnh bạn.

Việt Nam tiếp tục thực hiện công thức "5K + vaccine", hoàn thiện ứng dụng công nghệ vào chống dịch; phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, sớm ổn định tình hình; bao vây, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng. Thủ tướng lưu ý không quá máy móc về đơn vị hành chính mà căn cứ vào tình hình dịch bệnh để phong tỏa, cách ly, giãn cách linh hoạt. Xét nghiệm nhanh, sớm được coi là chìa khóa dập dịch thành công.

Về những khó khăn trong chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tháo gỡ với tinh thần "ba không": Không nói không có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; không được nói không có kinh phí (dù khó khăn, kêu gọi hỗ trợ nhưng phải dành nguồn lực để chống dịch); không nói không có sinh phẩm thiết bị. Các bộ, ngành xây dựng quy định về mua vaccine, chống dịch trong khu công nghiệp, cơ sở y tế, khu cách ly, tiêu chuẩn thí điểm cách ly tại nhà; xã hội hóa xét nghiệm...

Các địa phương cần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong chống dịch; có chính sách hiệu quả nhất để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 phải được tổ chức tốt, đảm bảo an toàn, đúng luật song giảm tối đa phiền hà cho phụ huynh, học sinh.

Trước đó tại cuộc họp cuối tháng 5/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đơn vị này được giao là đầu mối nhập khẩu vaccine, nhưng Bộ không "độc quyền" mà khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine tham gia. Nếu các địa phương, doanh nghiệp nộp hồ sơ, Bộ sẽ xử lý ngay, nếu hợp lệ thì tối đa 5 ngày làm việc là cấp phép. Tất cả lô vaccine dù đơn vị nào nhập khẩu, có hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng thì đều được Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế tổ chức tiêm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép, dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam vẫn được nhập khẩu. Những vaccine WHO chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay.

Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là ít nhất 70% dân số (70 triệu người) được tiêm chủng. Kế hoạch triển khai tiêm chủng này diễn ra khi Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện