Sáng 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 209 quận huyện, thị xã và 1.060 xã phường, thị trấn để quán triệt nghiêm việc thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp trọng tâm trong phòng, chống dịch.
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Bí thư Trung ương Đảng: ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các Phó thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh “lấy xã, phường làm pháo đài thì phải chỉ đạo được đến pháo đài" |
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngày 25/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 được kiện toàn, thành phần được mở rộng gồm đại diện của Quốc hội, ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ trưởng.
Trước đó ngày 22, 23/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1099, số 1102 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện, pháp phòng chống dịch. Ngoài những quan điểm, tư tưởng và các giải pháp chống dịch, các công điện này có một số bổ sung, đổi mới, đặc biệt lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp là pháo đài, người dân là chiến sĩ.
Hôm nay, sau khi các địa phương triển khai thực hiện được gần 1 tuần, Ban Chỉ đạo Quốc gia họp để thảo luận, đánh giá một số vấn đề như: cần phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, rút kinh nghiệm những việc gì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đặc biệt, các lãnh đạo ở xã, phường, có đề xuất kiến nghị gì với trung ương, tỉnh, huyện…
Thủ tướng cho biết, trong sáng nay ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng sớm tổ chức việc kết nối trực tuyến xuống tận xã, phường để thông suốt chỉ đạo từ Chính phủ, từ Trưởng ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo đến xã, phường. Thủ tướng nhấn mạnh “lấy xã phường làm pháo đài thì phải chỉ đạo được đến pháo đài”.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương có số ca mắc mới vẫn ở mức cao (với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng) và có xu hướng gia tăng do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%).
Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần. Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây.
Tại Hà Nội và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nên vẫn có thể ghi nhận thêm các ổ dịch mới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long |
Tại TP. Hồ Chí Minh, xu hướng tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7 và cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8/2021. Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: Triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế tại TP. Hồ Chí Minh); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ Trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện quận/huyện và bệnh viện dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3). Các giải pháp đã có hiệu quả giảm số ca tử vong; mặc dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng.
Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến nay cả nước đã ghi nhận 419.617 ca, 208.176 người đã khỏi bệnh (50%), 10.370 ca tử vong; có 8/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng). Tính đến ngày 28/8/2021, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều.
Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhân lực Y tế đã huy động trên 16.000 y, bác sỹ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam; điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía Nam, riêng TP. Hồ Chí Minh đã có 6 Trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong.
Theo Bộ trưởng Lao động Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung, hiện cả nước đang triển khai phong trào 4 triệu túi an sinh. 23 địa phương giãn cách đã hỗ trợ trên 100.000 người bán vé số. Về triển khai nghị quyết 68 đã có hơn 15 triệu người được hỗ trợ với 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với hơn 2.100 tỷ đồng được chi. Nhiều địa phương có những giải pháp hỗ trợ, chính sách riêng. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương lúng túng và sợ trách nhiệm nên việc hỗ trợ cho người dân bằng ngân sách còn chậm.
"Một số địa phương do khó khăn về kinh phí, do đó khi tham mưu chính sách thì cứ để treo đấy thôi. Một số địa phương triển khai còn chậm lúng túng và sợ trách nhiệm. Vì chi cái này rất khó, không có hồ sơ, giấy tờ nên có nơi còn sợ trách nhiệm. Hiện còn 2 tỉnh chưa rút kinh phí ngân sách Nhà nước để chi như Bến Tre, Vĩnh Long và 9 tỉnh chưa chi hỗ trợ người tạm hoãn hợp đồng lao động, người ngừng việc như Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên. 5 tỉnh chưa hỗ trợ người lao động ngừng việc đó là Tiền Giang Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên. 3 tỉnh chưa hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ” - ông Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã báo cáo về tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương mình và đề xuất, kiến nghị những khó khăn vướng mắc đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí dự Hội nghị |
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh sớm, nhanh, hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết 86 của Chính phủ. Tỉnh nào chưa đạt được mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết phải kiểm điểm, phê bình, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của tập thể, cá nhân, để từ đó rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Ngược lại, tập thể cá nhân nào làm tốt, thì phải khen thưởng kịp thời.
Người đứng đầu Chỉnh phủ cho rằng, chúng ta đã hy sinh kinh tế - xã hội trong việc giãn cách, thực hiện nghiêm việc không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở yên đấy thì phải đổi lại phải kiểm soát được tình hình. Thủ tướng yêu cầu đã thực hiện giãn cách xã hội để chống lây lan thì phải thật nghiệm, thật chặt, và phải giám sát hiệu quả, chặt chẽ. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phải xét nghiệm thần tốc, tiêm vaccine một cách khoa học, an toàn, hiệu quả, chú ý ưu tiên cho một số đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Đồng thời khi giãn cách phải kịp thời thu dung và điều trị tích cực để giảm các ca bênh nặng, giảm tử vong; tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, các ly nhanh, điều trị tích cực ngay tại cơ sở, không để quá tải tuyến trên; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thủ tướng nhấn mạnh, phương châm là lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp làm “pháo đài”, mỗi người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng chống dịch. Các địa phương, xã, phường phải bảo đảm an sinh xã hội, không để thiếu ăn, thiếu mặc với những người khó khăn, người lang thang cơ nhỡ, người yếu thế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trong thời gian giãn cách../.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin