Thời sự - Chính trị

Công điện tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Nghệ An

07:38, 26/09/2021
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An vừa có công điện gửi Bộ CHQS tỉnh; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Công an tỉnh; Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Các Công ty thuỷ lợi, thuỷ điện, tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng dùng
 

Công điện nêu rõ: 

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với tâm vùng áp thấp suy yếu từ bão số 6, kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ đêm 23/9 đến ngày 25/9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 150÷300mm, cục bộ có nơi trên 300mm như: huyện Quỳnh Lưu: 515 mm; xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn 356 mm…

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các Công ty thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện ngay một số việc cấp bách sau đây:

1. Thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 11/CĐ-TW ngày 22/9/2021 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 12/CĐ-TW ngày 23/9/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 12/CĐ-BCH ngày 23/9/2021 của Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh về việc ứng phó với diễn biến của Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ

2. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở...

3. Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.

4. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.

5. Kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước; đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

6. Ủy ban nhân dân các cấp, các Đoàn thể kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị tai nạn,  gia đình chính sách,  gia đình bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ; UBND cấp huyện, xã trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ theo quy định; sau mưa, lũ hướng dẫn Nhân dân giúp nhau tự khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng; khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sửa chữa các trường học, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân.

7. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh) biết để xử lý kịp thời./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện