Thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế là những địa phương đều đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển. Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội lần này đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Dù có nội dung khác nhau về quản lý tài chính, ngân sách, quy hoạch, đất đai… và mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc thù nhưng cả 4 địa phương mong chờ nhất là hai vấn đề lớn: phân cấp đặc quyền cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Trung ương. |
Theo đó, đối với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, nếu được thông qua, Nghệ An sẽ được cho phép thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về: Mức dư nợ vay; Bổ sung có mục tiêu từ tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; Định mức phân bổ chi thường xuyên; Quản lý đất đai; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; Quản lý, sử dụng rừng.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại điểm cầu Nghệ An. |
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương trên để thể chế hoá các Nghị quyết của Bộ Chính trị tạo thêm nguồn lực cho các địa phương phát triển. Các đại biểu ghi nhận: Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thêm nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp để tăng tính chủ động cho các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo ra những cực tăng trưởng mới, tạo động lực, tạo sự lan toả, sự phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm và dẫn dắt các địa phương khác trong vùng cùng phát triển.
Đánh giá các điều khoản quy định trong dự thảo các nghị quyết, các đại biểu cho rằng: các cơ chế đã thể hiện sự mạnh mẽ tinh thần phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tạo sự chủ động trong việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời qua đó cũng tạo được nguồn lực để các địa phương có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Đặc biệt, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế cùng nằm ở khu vực Bắc Trung bộ có nhiều điểm tương đồng, có thể hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đây đều là tỉnh lớn, có dân số đông, có nhiều đơn vị hành chính các cấp, địa bàn rộng phức tạp, có đủ các vùng miền, bao gồm cả đồng bằng, trung du, miền núi, biển đảo, có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào. Đặc biệt Thanh Hoá, Nghệ An cách không xa Hà Nội, bên cạnh đó tam giác phát triển Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là lợi thế lớn cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp. Nếu trao các chính sách này sẽ giúp các tỉnh, thành trên phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng và lợi thế, biến tiềm năng thành khả năng trong đầu tư phát triển và trở thành cực tăng trưởng mới, chủ động góp phần thúc đẩy kinh tế vùng và quốc gia.
Một số ý kiến khác đề nghị, cơ chế chính sách đặc thù thì phải thực sự đặc thù, bảo đảm đủ mạnh, tạo được động lực phát triển cho các địa phương, giúp địa phương phát triển vượt lên được trên tinh thần khuyến khích các địa phương nỗ lực phát triển trên cơ sở được hưởng các khoản tăng thu vượt mục tiêu trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại điểm cầu Nghệ An. |
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: giữa các địa phương là điều kiện khác nhau, trình độ phát triển khác nhau và khả năng phát triển sẽ khác nhau. Do đó, để tạo nên một "cú hích" cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh thì phải có cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ trương này vừa để bảo đảm sự phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, động lực, các "đầu tàu" để phát triển nhưng cũng quan tâm hài hòa với các địa phương khác. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển hài hoà, kéo gần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Với các vùng còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hiện có tới 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển đồng bào dân tộc miền núi đang được triển khai thực hiện. Với các dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tính chất thực hiện thí điểm để kiểm nghiệm hiệu quả, để các địa phương này có điều kiện bứt phá lên, đồng thời hệ thống chính sách vẫn bảo đảm thống nhất, không có sự mất công bằng.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin