44 lượt ý kiến tham gia thảo luận tại tổ

08:26, 08/12/2021
Với không khí sôi nổi, tập trung, dân chủ, thẳng thắn, phiên làm việc chiều 7/12 tại 4 tổ đã có 44 lượt ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận.  

Các đồng chí chủ tọa phiên họp.

Quyết liệt, đồng bộ, kiểm soát tốt dịch Covid-19 và phát triển KT-XH

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh; đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, nhất là đã quyết liệt, đồng bộ, kiểm soát tốt dịch Covid – 19 và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới để đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số và đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn.

Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh trình bày tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ số 1.

Cụ thể: Tổ số 1 đã tiến hành thảo luận về các nội dung của kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh, trong đó tập trung thảo luận sâu nội dung về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, góp ý vào các dự thảo Nghị quyết: gồm Nghị quyết ban hành Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương dự báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong điều kiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; dự báo ảnh hưởng của thiên tai năm 2022 để có các giải pháp phù hợp thực hiện các chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao. 

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Tổ số 02 đã tiến hành thảo luận về các nội dung của kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh, trong đó tập trung thảo luận về nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND tỉnh; các nghị quyết: Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm khối bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tổ số 3 đã tiến hành thảo luận về các nội dung của kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh. Ngoài các vấn đề Thường trực HĐND tỉnh định hướng, Tổ 3 còn tập trung thảo luận về nội dung: Công tác quản lý sử dụng đất, thực hiện công tác thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình dự án. Nghị quyết ban hành Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 và ổn định đến năm 2025; Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tổ số 4 đã tiến hành thảo luận về các nội dung của kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh, trong đó tập trung thảo luận về nội dung phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, hỗ trợ sinh kế, giao thông nông thôn, hỗ trợ kinh phí, khai thác khoáng sản. 

Cần quan tâm xác định mục tiêu tổng thể để phát triển kinh tế vùng

Về cơ bản, các đại biểu thống nhất về số lượng nội dung, thể thức các Nghị quyết trình kỳ họp. Đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết của UBND tỉnh, công tác thẩm tra của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh.

Tại các Tổ thảo luận, một số vấn đề liên quan đến các dự thảo Nghị quyết các đại biểu còn băn khoăn cũng đã được đại diện UBND tỉnh và các ngành liên quan giải trình, bổ sung làm rõ thêm. 

Ông Hà Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Diễn Châu trình bày tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ số 2.

Qua thảo luận, đa số đại biểu cho rằng báo cáo đã đánh giá đúng, cụ thể những khó khăn, có các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, theo hướng thực chất hiệu quả; rà soát sửa đổi quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, cơ chế chính sách liên quan phù hợp với quy định pháp luật hiện hành theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thu hút được nhiều dự án lớn, dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, dự án sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị Báo cáo cần quan tâm xác định mục tiêu tổng thể để có nội dung cụ thể cho cơ sở triển khai phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là kinh tế vùng miền Tây để xây dựng các kế hoạch cụ thể. Việc triển khai Nghị quyết 88/2029/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 còn chậm, kiến nghị trung ương sớm triển khai thực hiện.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Đại biểu đề nghị có sự hỗ trợ cho nông dân về giá đầu vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì hiện nay nông dân gặp nhiều khó khăn do vật tư đầu vào sản xuất thì cao, trong khi nông sản rất khó tiêu thụ, giá cả lại thấp, nên nhiều nông dân bỏ ruộng không canh tác. Đối với ngư dân, cần có hỗ trợ, giãn, hoãn nợ các khoản vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản vì việc đánh bắt hải sản hiện gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị tập trung phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; quan tâm các sản phẩm ở miền núi. Muốn vậy, đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương để biến các mô hình thí điểm thành các phong trào rộng rãi và cần củng cố, phát triển mô hình Hợp tác xã. Một số thôn bản ở các huyện miền núi chưa có điện lưới, đề nghị cần quan tâm đầu tư. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Điện năng thay thế để người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống sinh hoạt. Đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trong thực hiện dự án thuỷ điện Hủa Na.

Xử lý nghiêm minh, dứt điểm vi phạm khai thác khoáng sản trái phép

Đại biểu cũng cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp giao đất trái thẩm quyền còn chậm. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 (có hiệu lực từ ngày 30/9/2021). Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, sớm giải quyết cho người dân. Bên cạnh đó, việc giao đất của các nông, lâm trường cho người dân kết quả chậm, nhiều khó khăn vướng mắc: kinh phí đo đạc, thủ tục hồ sơ... Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để thực hiện đồng bộ có hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất. Việc Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đạt kết quả thấp. Đề nghị làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn toàn tỉnh còn diễn ra khá phức tạp; việc xử lý chưa kịp thời, dứt điểm làm ảnh hưởng đến môi trường, thất thu ngân sách, kỷ cương kỷ luật, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh tăng cường quản lý, xử lý nghiêm minh, dứt điểm. Việc trích đo, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở các huyện miền núi còn chậm. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, có kế hoạch xử lý cụ thể.

Bà Hoàng Thị Thu Trang - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn trình bày Tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ số 3.

Nhu cầu sử dụng đất để san lấp mặt bằng, xây dựng dân dụng, xây dựng nông thôn mới... ngày càng cao. Tuy nhiên, nhiều địa phương không có mỏ đất được phép khai thác đã làm ảnh hưởng đến người dân, sự phát triển của địa phương; mặt khác dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác trái phép. Đề nghị nghiên cứu, đề xuất phân cấp cho UBND cấp huyện thẩm quyền cấp phép khai thác các mỏ đất. Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh cần có chính sách, sự quan tâm cụ thể đối với người dân sinh sống xung quanh, chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Tạo việc làm cho người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Một số đại biểu đề nghị tiếp tục và tích cực thực hiện Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 126 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. kiến nghị, đề xuất các giải pháp tạo việc làm cho người dân từ miền Nam trở về do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Nên có giải pháp đào tạo nghề ngắn hạn để giải quyết việc làm trước mắt cho người lao động mất việc làm do đại dịch covid nhất là lực lượng lao động từ miền Nam trở về; Tổ chức kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp (mặc dù đã có một số hoạt động nhưng chưa đáp ứng được mong muốn của người dân).

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn trình bày Tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ số 4.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp thích hợp hơn. Có cơ chế hỗ trợ vay vốn để sinh kế. Nên có gói hỗ trợ bằng hỗ trợ sản xuất để nhân dân có việc làm tại chỗ, có thể  khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đào tạo nghề ngắn hạn để chuyển đổi hoặc kết nối với các khu công nghiệp trong cả nước để giới thiệu việc làm để giải quyết bài toán người lao hỗ trợ nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội. Quyết liệt hơn nữa trong công tác hướng nghiệp, nâng cao chất lượng các trường nghề để thu hút người học. Các chính sách hỗ trợ vốn và vay vốn thủ tục phải nhanh gọn để người lao động tiếp cận nhanh với nguồn vốn. Cần giao cho các địa phương khảo sát, phân loại cụ thể, chi tiết theo từng đối tượng: độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, tay nghề chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, nhu cầu đào tạo, nhu cầu việc làm…để có kế hoạch cụ thể giải quyết cho từng đối tượng. Phát huy tiềm năng kinh tế của từng địa phương, từng vùng miền như vùng biển, vùng núi…để có giải pháp thích hợp.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh quan tâm, cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ việc xây dựng, vận hành Trạm y tế lưu động; hỗ trợ kinh phí chi trả chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch covid-19. Kinh phí để điều trị cho bệnh nhân F0 tại địa phương các huyện miền núi (theo văn bản mới) gặp nhiều khó khăn, đề nghị có cơ chế hỗ trợ. Cần có kế hoạch cụ thể thực hiện, khoa học hơn trong việc thực hiện cách ly F1 tránh việc lây chéo trong khu cách ly. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thực hiện.

Theo chương trình làm việc sáng nay, kỳ họp sẽ tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường.
 

Hiến Chương-Thùy Dương-Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện