Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội...
Tại Nghệ An, hội nghị được truyền trực tiếp đến 23 điểm cầu với trên 1.200 đại biểu tham dự. Tại điểm cầu chính Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh uỷ Nghệ An. |
Qua 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các thành viên ASEAN.
Đảng ta cũng đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. |
Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt sâu sắc và toàn diện đường lối, chủ trương, quan điểm về đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, nhất là những nội dung mới, thể hiện sự phát triển về tư duy đối ngoại của Đảng trong quá trình phát triển mới của đất nước.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã quán triệt những thành tựu, bài học kinh nghiệm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại theo Nghị quyết XIII của Đảng để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác đối ngoại nhằm đánh giá toàn diện tình hình thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, nhất là trong 35 năm đổi mới; tác động, cơ hội và thách thức đối với công tác đối ngoại cũng như từ tình hình thế giới, khu vực, trong nước đối với công tác đối ngoại cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa lịch sử, vì đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo hội nghị đối ngoại toàn quốc để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Tổng Bí thư đã khái quát lại những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị về tư tưởng, quan điểm đối ngoại. Nước ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Để góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nhấn mạnh 6 nội dung trọng tâm đối với công tác đối ngoại thời gian tới. Trước hết, cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến, tình hình để kịp thời có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại. Tổng Bí thư chỉ rõ: Thế và lực của nước ta trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác rất nhiều so với 35 năm về trước, đặc biệt các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi mang tầm chiến lược của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết là trong khu vực; đồng thời cũng phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới; đương nhiên đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc: Chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu, và chân thành, khiêm tốn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đó mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoàn bình, ổn định thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để hoàn thành hiện tốt các nhiệm vụ, Tổng Bí thư lưu ý cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin