Thảo luận tại hội trường: Trách nhiệm, sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm

12:14, 08/12/2021
 Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 8/12, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.

Các đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng chủ trì phiên thảo luận.Tham dự có các đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.  

Các đồng chí chủ tọa kỳ họp.

Trước khi thảo luận tại hội trường, tổ trưởng của 4 tổ thảo luận đã thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ chiều 7/12. Trong phiên thảo luận tại tổ đã có 44 lượt ý kiến tham gia thảo luận. Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh; đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, nhất là đã quyết liệt, đồng bộ, kiểm soát tốt dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.  Các ý kiến đều nhất trí với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp, nhiều đại biểu tham gia sâu, có chất lượng vào các nội dung trình Kỳ họp.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Trong phiên thảo luận sáng 8/12, những nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của các địa phương ở lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, cung cấp điện sinh hoạt... đã được lãnh đạo các ngành chức năng trả lời cụ thể.

Các đại biểu tham dự.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đã được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm rõ  như tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu sắt theo NĐ 67 của Chính phủ còn chậm; Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu khác hiệu quả hơn; Hỗ trợ cho các vùng nuôi trồng thủy sản; lò giết mổ tập trung. Trong đó, về Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, đại biểu băn khoăn dự thảo Nghị quyết mới chỉ quan tâm đến khu vực miền núi, hầu như chưa đề cập đến các khu vực đồng bằng, ven biển để phát huy thế mạnh các khu vực này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại kỳ họp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, trước ý kiến của một số đại biểu băn khoăn khi cho rằng dự thảo Nghị quyết mới chỉ quan tâm đến khu vực miền núi, hầu như chưa đề cập đến các khu vực đồng bằng, ven biển để phát huy thế mạnh của các khu vực này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đệ cho rằng dự thảo Nghị quyết đã cơ bản đề cập chính sách cho địa bàn toàn tỉnh, trong đó miền núi có thêm chính sách đặc thù nhỏ lẻ như tiêm phòng cho gia súc, gia cầm... Ông Đệ cho biết thêm vì kinh phí hạn chế nên chỉ xem xét những nội dung thật cần thiết để hỗ trợ, nhằm tạo sinh kế giúp người dân ổn định cuộc sống ngay tại địa phương mình.

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công thương trả lời nội dung đại biểu quan tâm. 

Liên quan đến một số thôn bản ở miền núi chưa có điện lưới, đề nghị quan tâm đầu tư, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa cho biết: Giai đoạn 2018 - đến nay, các địa phương đã lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư cấp điện cho 38 thôn, bản trên địa bàn 7 huyện. Năm 2022 cũng đã đề xuất bố trí nguồn vốn khoảng 280 tỷ để hoàn thành lưới điện cấp cho 76 thôn bản còn lại, phấn đấu hoàn thành đóng điện trước ngày 31/12/2022. Về đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư liên quan đến dự án thủy điện Hủa Na, ông Hóa cho biết: Về những tồn tại, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Hủa Na, ông Phạm Văn Hóa cho biết, ngày 27/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản để chỉ đạo tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là trong phương án tính bồi thường đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến để có cơ sở chi trả cho người dân và việc giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho người dân tái định cư.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Về công tác đền bù GPMB, Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngày 2/7/2021, Bộ TN&MT đã có văn bản về việc xử lý chênh lệch giá đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến dự án tái định cư Thủy điện Hủa Na. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có công văn 4850 ngày 14/7/2021, giao Sở TN&MT, huyện Quế Phong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay giữa Công ty CP Thủy điện Hủa Na và huyện Quế Phong chưa thống nhất được phương án đối trừ để triển khai thực hiện. Ngày 15/10/2021, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tập trung giải quyết tồn tại, vướng mắc. Hiện nay, huyện Quế Phong đang tích cực thực hiện.

Làm rõ thêm về những tồn tại ở dự án Thủy điện Hủa Na, ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2020, UBND tỉnh đã báo cáo gửi Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT tham mưu, hướng dẫn cho tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do luật quy định không rõ nên các văn bản hướng dẫn cũng không rõ.

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề đại biểu quan tâm. 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cũng giải trình, làm rõ việc thu hồi đất nông lâm trường giao lại cho người dân còn chậm, nhiều khó khăn vướng mắc: kinh phí đo đạc, thủ tục hồ sơ..., ông Hoàng Quốc Việt cho rằng, liên quan đến công tác đo đạc thì sau khi UBND huyện phê duyệt phương án sử dụng đất, gửi báo cáo Sở TN&MT để tham mưu UBND tỉnh lập thiết kế kỹ thuật dự toán để tiến hành đo đạc bản đồ địa chính.

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Theo ông Hoàng Quốc Việt, hiện nay có một số địa phương đang lập phương án sử dụng đất và đề nghị các huyện có diện tích đất thu hồi từ nông, lâm trường thì sớm lập phương án sử dụng đất. Về công tác đo đạc đất nông, lâm trường, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ,  Sở Tài chính và Sở TNMT đang phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện.  

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Lãnh đạo Sở Nội vụ cũng đã cáo cáo, giải trình làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến chế độ cho cán bộ chuyên trách hoạt động ở khối, xóm bản, xã , phường, thị trấn; Đề nghị ngoài 2 chức danh thú y – khuyến nông – khuyến lâm thì bổ sung thêm chức danh truyền thanh cơ sở. 

 Ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An
Ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An trả lời vấn đề đại biểu nêu.

Giám đốc Sở Y tế đã làm rõ về các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y tế ở cơ sở trong công tác phòng chống dịch; Tiến độ thực hiện công tác tiêm phòng trên địa bàn; Diễn biến và khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Thời điểm này nhiều địa phương trong cả nước đang bùng phát dịch lớn. Đặc biệt trong 7 ngày gần đây, số lượng ca nhiễm tăng cao nhất trong các đợt bùng phát dịch. Nghệ An đến thời điểm này có 5.361 ca nhiễm, riêng từ ngày 1/10 đến nay ghi nhận 3.343 ca nhiễm. Giám đốc Sở Y tế nhận định tính chất phức tạp của dịch bệnh có xu hướng tăng, đặc biệt trong 2 tuần qua khi dịch đã  lây lan trong khu công nghiệp và trường học. Số ca nhiễm cộng đồng tăng cao, việc phát hiện bệnh muộn hơn so với gian đoạn trước, do phần các ca bệnh không có triệu chứng (chiếm 60%). Thời gian tới, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tính chất phức tạp, còn phải chịu đựng trong thời gian dài tính bằng quý. Về các giải pháp trong công tác phòng chống dịch thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Từ bài học kinh nghiệm của các địa phương khác trên cả nước và các địa phương trong tỉnh, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: Tiếp tục kiên trì đúng định hướng của Chính phủ, các Bộ ngành, thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép. Các địa phương cũng cần tăng tính chủ động, xây dựng tốt các kịch bản ứng phó với dịch. Do thời gian dài chống dịch, triển khai thực hiện Nghị quyết 128 nên thời gian gần đây một vài nơi có tâm lý hơi chủ quan. Trung tâm chỉ huy PCD tỉnh đã có những chỉ đạo trong việc thực hiện Nghị quyết 128 nhưng cấp phường xã còn lúng túng trong việc phân cấp và áp dụng các cấp độ dịch. Bên cạnh đó, nguồn lực hiện cũng đang gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn gần đây, các địa phương cần chủ động".

Ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trả lời vấn đề đại biểu nêu.

Làm rõ những nội dung các đại biểu HĐND tỉnh, cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng việc học trực tuyến của các cấp học và giải pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh khi thực hiện việc đi học trực tiếp tại trường trong giai đoạn bình thường mới. Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trong triển khai dạy học trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến được chỉ đạo bài bản các văn bản hướng dẫn cho các phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường học để chỉ đạo việc dạy và học tại các nhà trường. 

Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành trả lời vấn đề đại biểu nêu.

“Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Nếu hiệu trưởng lơ là không thực hiện 5K theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, phòng Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm. Ngành giáo dục đồng hành chịu trách nhiệm cùng với địa phương khắc phục đảm bảo an toàn cho thầy và trò”- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

 

Cũng trong sáng nay, lãnh đạo một số sở ngành gồm Sở Tài chính, Sở Giao thông và Vận tải, Tòa án Nhân dân tỉnh cũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm như lý do việc cấp xi măng cho xây dựng NTM còn chậm; việc tổ chức dạy học trong bối cảnh dịch bệnh và một số dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình kết luận nội dung thảo luận tại hội trường sáng 8/12.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Các ý kiến tại phiên thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế như: Giải quyết việc làm, khai thác khoáng sản... Đây sẽ là các nội dung để tiếp UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng có liên quan tiếp tục hoàn thiện công tác chỉ đạo cũng như thực hiện nhiệm vụ tốt hơn thời gian tới. Các vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân tỉnh nhà quan tâm đã được các ngành chức năng trả lời, làm rõ. Với trách nhiệm là người đứng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung xin nghiêm túc tiếp thu đầy đủ và cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.Trong năm 2021 là năm hết sức khó khăn với ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên họp.

Điểm qua một số kết quả nổi bật của năm 2021 về thu ngân sách, thu hút đầu tư, đặc biệt là việc Nghệ An được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, đạt được kết quả này là có sự lãnh đạo, thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp, giám sát hỗ trợ của HĐND tỉnh, cùng chung sức, đồng hành và chia sẻ, hỗ trợ giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu.

Bước vào thực hiện triển khai kế hoạch năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, dịch diễn biến phức tạp, mục tiêu trình ra HĐND tỉnh khá cao. Song, UBND tỉnh tin chắc có đủ cơ sở để đạt được mục tiêu này trong năm 2022. Để thực hiện mục tiêu năm 2022, UBND tỉnh đã đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước mắt, sẽ tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt và thực hiện; phối hợp Bộ, ngành triển khai Nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù phát triển tỉnh. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị tốt nhất cho việc tổng kết Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị từ đó nghiên cứu bổ sung thêm chính sách đặc thù cho tỉnh trong giai đoạn tới. UBND tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung hỗ trợ thủ tục các nhà đầu tư nhất là lĩnh vực sản xuất điện tử. Trong năm 2022, tiếp tục giao các ngành rà soát các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không có hiệu quả; chủ động chuẩn bị các điều kiện mở rộng khu kinh tế Đông Nam.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thông báo tổng hợp ý kiến cử tri phản ánh qua đường dây nóng.

Trong phiên họp chiều 7/12 và sáng 8/12, kỳ họp đã nhận được 17 ý kiến của 21 lượt cử tri phản ánh đến đường dây điện thoại trực tuyến. Sau kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của các cử tri đến UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo để cử tri được biết.

Chiều nay (8/12), kỳ họp sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hai ngành sẽ đăng đàn trong chiều nay là Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường . Phiên họp tiếp tục được Đài PTTH Nghệ An tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình, kênh Youtube Truyền hình Nghệ An; trang Web: truyenhinhnghean.vn; các Fanpage: Truyền hình Nghệ An; Nghệ An TV; trên App: NTV go.

 

Hiến Chương-Thùy Dương-Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện