Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận của tổ đại biểu tại Nghệ An.
Tham gia buổi thảo luận còn có đại diện các ngành để đóng góp ý kiến.
Toàn cảnh phiên thảo luận của tổ đại biểu tại Nghệ An. |
Mục tiêu của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ cũng đã xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023. Cụ thể: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh 60.000 tỷ đồng; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm 53.150 tỷ đồng; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 110.000 tỷ đồng; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển 113.850 tỷ đồng và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo đó, Chương trình sẽ sử dụng chính sách tài khoá tổng quy mô 291.000 tỷ đồng, trong đó, tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 240.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh đề nghị rà soát lại các công trình, hạng mục đầu tư công và kiến nghị bổ sung nguồn đầu tư cho hệ thống công trình trạm y tế tuyến xã, các cơ sở bảo trợ xã hội và dạy nghề. |
Tại buổi thảo luận, ý kiến các ngành cơ bản thống nhất với các quan điểm nêu tại tờ trình. Đại diện ngành Kế hoạch - Đầu tư tỉnh đề nghị rà soát lại các công trình, hạng mục đầu tư công và kiến nghị bổ sung nguồn đầu tư cho hệ thống công trình trạm y tế tuyến xã, các cơ sở bảo trợ xã hội và dạy nghề. Cùng với đó là kinh phí thực hiện đề án chuyển đổi số của tỉnh.
Đại diện ngành GTVT thống nhất cao với cơ chế đặc thù cho các công trình trọng điểm, nhất là việc cho phép thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt. Việc cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (chỉ nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép cũng nhận được sự đồng tình cao của ngành này.
Với việc có gói chính sách, đại diện Sở Tài chính đề nghị quan tâm để tiếp tục thực hiện hỗ trợ làm nhà cho người có công còn lại trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ ngành sẽ rà soát nhiệm vụ chi thật chặt chẽ để tập trung cho chi phát triển nhằm kích cầu và phục vụ tăng trưởng.
Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận. |
Ông Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị quan tâm, bổ sung 3 vấn đề: hỗ trợ chính sách cho thương mại thị trường, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận. |
Đối với 7 chính sách giảm và giãn thuế, đại diện ngành Thuế tỉnh tính toán khoản thu ngân sách Nghệ An sẽ giảm khoảng 1.100 tỷ đồng. Trong đó, việc giảm thuế trước bạ xe ô tô sản xuất trong nước sẽ hụt thu khá lớn. Cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm mức thuế suất giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cần phải xem xét. Bởi đây là thuế tiêu dùng có tác động đến ngân sách quá lớn nhưng tác dụng giảm cho người thụ hưởng là không đáng kể.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung phát biểu tại phiên thảo luận. |
Về vấn đề này, bà Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An kiến nghị xem xét tăng các khoản phí, lệ phí đối với hoạt động chứng khoán để khuyến khích dòng tiền chuyển sang sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi thảo luận, các ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ cách thức triển khai gói hỗ trợ lãi suất; tiêu chí cụ thể cho các đối tượng thụ hưởng; giải pháp dự báo khả năng lạm phát khi đã bơm tiền ra thị trường. Với nguồn lực đưa ra phải phát huy được ngay trong 2 năm triển khai chương trình (2022-2023), các đại biểu Quốc hội Nghệ An cũng bày tỏ những băn khoăn nhất định, nhất là việc giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HDND tỉnh Nghệ An kết luận phiên thảo luận tổ. |
Kết luận buổi thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành cần chủ động tâm thế để ngay sau khi TW có hướng dẫn triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì có thể bắt tay vào thực hiện. Đặc biệt, phải bám nắm các cơ quan Trung ương, đề xuất các nội dung nhằm triển khai hiệu quả chương trình trên địa bàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin