Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa Hà Thị Nga chủ trì họp báo.
Thông tin nhanh với báo chí về kết quả Đại hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, thành công của Đại hội được thể hiện trên 5 phương diện:
Thứ nhất, quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, nhất là việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội phụ nữ toàn quốc XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.
Thứ hai, sự thành công về công tác nhân sự, kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN VIệt Nam khóa XIII có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận được nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa mới gồm 155/163 uỷ viên, đảm bảo tính kế thừa, liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.
Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội |
Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, các Uỷ viên Ban Chấp hành đã bầu 31 ủy viên tham gia Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội khoá XIII; 100% Uỷ viên Ban Chấp hành có mặt đã bầu Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII Hà Thị Nga là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII và bầu 04 Phó Chủ tịch Hội.
Thứ ba, hình thức thảo luận, trao đổi thông tin cũng được đổi mới trong kỳ Đại hội lần này. Tại Đại hội đã có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Trong đó, có 18 tham luận và 10 clip trình bày tại các phiên toàn thể của Đại hội.
Bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, Đại hội tổ chức 5 trung tâm thảo luận với các chủ đề về: (1) Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; (2) Phụ nữ trong nền kinh tế số; (3) Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; (4) Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; (5) Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Với cách làm này, đại biểu Đại hội có cơ hội được thảo luận, tham luận theo các chủ đề mình quan tâm và tiếp cận với nhiều chủ đề khác nhau phù hợp với lĩnh vực công việc, đồng thời có nhiều thời gian để trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả phương hướng hoạt động trong 5 năm tới.
Thứ tư, công tác tuyên truyền trước, trong sau Đại hội được thực hiện rầm rộ, khí thế ở tất cả các cấp Hội trong cả nước. Nhiều tỉnh/ thành phố phổ biến tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ theo dõi truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội, phát trailer về Đại hội trên các trang Fanpage, nhiều tin bài, phóng sự về Đại hội được đăng tải thực hiện trên các Đài, báo Trung ương và địa phương.
Thứ năm là khâu tổ chức Đại hội về hậu cần, an ninh đảm bảo chu đáo, an toàn. Trong quá trình tổ chức, Đại hội đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị, tổ chức đã đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tổ chức thành công Đại hội.
Liên quan đến Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương thông tin có 2 điểm mới căn bản:
Một là, công nhận bổ sung quy định về hội viên danh dự nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng, đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, hoạt động Hội.
Hai là, thành lập Ủy ban Kiểm tra các cấp Hội để đảm bảo tập trung xây dựng và thực hiện chuyên nghiệp hơn trong nhiệm kỳ tới nhằm nâng cao vị trí, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, phát huy sức mạnh và vai trò của đội ngũ Ủy viên Ban Chấp hành các cấp Hội, nhất là khi có vụ việc khiếu kiện phức tạp, kỷ luật cán bộ Hội chủ chốt. Việc lập và vận hành hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ theo hướng kiêm nhiệm, không phát sinh biên chế và không có bộ máy chuyên trách độc lập.
Chủ tịch Hà Thị Nga (thứ hai từ phải qua) cùng các Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại họp báo |
Trả lời báo chí về tiêu chí để trở thành hội viên danh dự của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, Hội đã nhận được sự hỗ trợ rất đắc lực của các cá nhân có sự ảnh hưởng trong xã hội như các nhà ngoại giao, nhà hoạt động xã hội, nghệ sỹ... Họ đều có chung mong muốn được cống hiến, tham gia nhiều hơn, cụ thể hơn nữa vào các hoạt động của Hội, sự tiến bộ của phụ nữ.
“Hội viên danh dự có cả nam và nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có đặc thù về giới. Từ yêu cầu thực tiễn, chúng tôi thấy rằng không nên khuôn hẹp đối tượng hội viên, mà cần cả những đối tượng khác để đồng hành, góp phần tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới.
Sau khi đưa nội dung này vào Điều lệ, Hội sẽ còn một bước nữa là ban hành Hướng dẫn thực hiện Điều lệ. Theo đó, sẽ có tiêu chí cụ thể để xét hội viên danh dự”, Chủ tịch Hà Thị Nga nói.
Trả lời câu hỏi về số lượng hội viên tham gia tổ chức Hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho hay, hiện Hội có 19 triệu, tỷ lệ tập hợp hội viên đạt trên 75%, địa bàn hoạt động chủ yếu ở khu dân cư. Đây là tỷ lệ khá cao, nhưng việc chăm lo cho hội viên vẫn là điểm yếu. Để tiếp tục chăm lo hội viên được tốt hơn, Đại hội đã xác định khâu đột phá là "Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh", nâng cao tổ chức, tập hợp hội viên cơ sở.
Liên quan tới 1 trong 08 chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ 2022- 2027 được Đại hội xác định là: "Hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý", Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định, hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế là hoạt động Hội đã triển khai từ nhiều nhiệm kỳ với nhiều giải pháp. Bên cạnh cung cấp vốn, các cấp Hội còn hỗ trợ phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hướng nghiệp, dạy nghề...
Chủ tịch Hà Thị Nga và tân Phó Chủ tịch Trần Lan Phương đánh giá, đây là chỉ tiêu "vừa sức", có tính khả thi. Ngoài giải pháp nêu trên, trong nhiệm kỳ này, Hội sẽ tích cực thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030" được Chính phủ giao nhằm sớm hiện thực hóa chỉ tiêu Đại hội./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin