Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2 đợt với 7,5 ngày làm việc. Ảnh: Quốc hội |
Về công tác xây dựng pháp luật, theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với hai dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đây là hai dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
3 dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cùng 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam cũng được trình xin ý kiến.
Hai nội dung được xem xét, thông qua là dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động tại Đợt 1 của Phiên họp thứ 9, ngày 10/3. Ảnh: Quốc hội |
Về nội dung giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Ngoài ra, Chính phủ cũng báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin