Thời sự - Chính trị

Quy định cụ thể nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự

13:02, 20/06/2023
Luật Phòng thủ dân sự quy định nguyên tắc phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, với phương châm phòng là chính, kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử.

Kết quả, với 469/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng thủ dân sự. 

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự.

Luật này quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.

Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự, luật quy định phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế.

Chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân.

Luật nêu rõ kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự.

Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải kịp thời, hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với đối tượng, cấp độ phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương.

Liên quan một số nội dung cụ thể trong luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng có lợi cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định đối tượng dễ bị tổn thương trong Luật Phòng thủ dân sự đối với đối tượng này; cho sửa quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và bổ sung, chỉnh lý lại khoản này cho thống nhất nội dung giải thích “đối tượng dễ bị tổn thương” của 2 luật tại Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bao quát được các đối tượng dễ bị tổn thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung “người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn” vào khoản 4 của luật này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo.

Về cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 7), biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 2 (Điều 23) và biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 3 (Điều 24), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ, các biện pháp phòng thủ dân sự quy định tại luật này không thay thế cho các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh mà tạo nên tổng thể các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa, bảo vệ nhân dân, nền kinh tế khi xảy ra thảm họa, sự cố.

Về Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 40), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đại đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc có Quỹ phòng thủ dân sự, do đó việc thành lập quỹ này là cần thiết.

CHỦ ĐỀ: KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV
Quy định cụ thể nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự
Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng cho các tổ chức hợp tác xã
Quốc hội duyệt đầu tư 1.930 tỷ đồng xây đường kết nối Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định về nguyên tắc việc điều tiết giữa Quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách và giao Chính phủ quy định việc điều tiết giữa các quỹ này tại điểm d khoản 3 và khoản 4 Điều này như quy định trong luật.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Phòng thủ dân sự sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện