Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa uỷ quyền của Thủ tướng đã ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Tổng hợp số liệu từ các bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, Chính phủ cho hay trong năm, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là “thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng”.
Cụ thể, có 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó khiển trách 16 người; cảnh cáo 13 người; cách chức 13 người.
“Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách”- theo Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cho hay các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại hơn 8.200 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 938 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
“Số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tăng 109% so với năm 2022”- báo cáo Chính phủ nêu.
Vẫn theo báo cáo Chính phủ, năm 2023, có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng.
Về kê khai tài sản, thu nhập cuối năm 2022, Chính phủ khẳng định các cấp, ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Theo số liệu, các cơ quan đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 với gần 13.100 người. Kết quả, hơn 2.660 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…
Do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, qua kiểm tra, có 54 người bị xử lý bằng các hình thức: xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…
Khởi tố 93 bị can về tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp
Đáng chú ý, theo Chính phủ, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý, khởi tố 80 vụ/171 bị can; trong đó 48 vụ/93 bị can về tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp, chiếm 60%.
Báo cáo dẫn chứng một số vụ án, như: vụ Võ Đình Sớm, nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai có hành vi đòi và nhận số tiền 500 triệu đồng của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Vụ Châu Văn Mỹ, nguyên Phó Chánh án, Thẩm phán TAND tỉnh Bạc Liêu trong quá trình xét xử phúc thẩm đã có hành vi nhận hối lộ số tiền 100 triệu đồng và nhiều lần ép buộc bị cáo quan hệ tình dục để giúp bị cáo được hưởng án treo.
Vụ Quách Thị Hoàng Giang, nguyên Thẩm phán TAND thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc có hành vi nhận hối lộ 500 triệu đồng nhằm xét xử theo hướng có lợi cho bị đơn.
Vụ Nguyễn Đình Cương, Giám định viên, Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị đã có hành vi lập Bản kết luận giám định tỷ lệ thương tích không đúng sự thật và cung cấp cho Cơ quan CSĐT, Công an huyện Hướng Hóa dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Vụ Điều tra viên, cán bộ điều tra Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã nhận hối lộ 1,3 tỉ đồng để giúp cho các bị can được tại ngoại…
Cũng theo báo cáo, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 30 vụ/54 bị can về tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp; nhập 3 vụ để điều tra.
“Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt”- Chính phủ nhận định.
Lý giải nguyên nhân, Chính phủ cho rằng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng “còn có mặt bất cập”. Cạnh đó, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ chính sách còn hạn chế.
Nhận định chung, Chính phủ cho rằng tham nhũng vẫn là vấn nạn chung của thế giới và khu vực trong thời gian tới, với những diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh”- theo đánh giá của Chính phủ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin