Sáng 18/10, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội thảo góp ý báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Đảng ta luôn xác định đấu tranh PCTNTC là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Đây là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì, nhằm mục đích xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc |
Qua 40 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo đến nay, công tác PCTNTC được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, tạo bước tiến mới cả về nhận thức, lý luận; cả về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Ông Phan Đình Trạc cho biết, hội thảo hôm nay với mong muốn tranh thủ ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về công tác PCTNTC để làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác này qua 40 năm đổi mới.
Từ đó kiến nghị, đề xuất quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, vừa có tính chiến lược, lâu dài, vừa trọng tâm, trước mắt nhằm tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTNTC trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những chuyên đề phục vụ cho việc chuẩn bị văn kiện Đại hội 14 của Đảng.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh một số nội dung cần thảo luận, làm rõ thêm. Trong đó cần làm rõ những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTNTC hiện nay là gì, nhất là những vấn đề đặt ra qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, nghiêm trọng vừa qua?
"Vì sao vừa qua chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận?", ông Trạc đặt vấn đề.
Tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ sai, không dám làm; mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, kiểm soát tài sản toàn xã hội?...
Tìm giải pháp hướng tới mục tiêu “bốn không” trong đấu tranh PCTNTC
Ngoài ra, ông Phan Đình Trạc cũng đề nghị các đại biểu làm rõ những yếu tố và giải pháp đột phá nào để đảm bảo sự đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “bốn không” trong đấu tranh PCTNTC: Không thể, không dám, không muốn và không cần.
Các đại biểu dự hội thảo góp ý báo cáo chuyên đề |
Trong đó cần thực hiện tốt công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch và kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, công khai; bất kể người đó là ai, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, thậm chí trốn đi nước ngoài cũng không thoát được, cũng xét xử vắng mặt.
Ông Phan Đình Trạc phân tích thêm, thời gian qua, việc xử lý đồng bộ, nghiêm minh giữa xử lý kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, đoàn thể, xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng được thực hiện trước, mở đường, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự.
Việc này được thực hiện theo nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Gần đây có một đột phá nữa đó là khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư là thấy "tay nhúng chàm thì xin thôi, rút lui trong danh dự", thế là nhẹ nhàng, nhân văn, mở đường cho tiến bộ.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương dẫn chứng, trong nhiệm kỳ Đại hội 12 chúng ta đã xử lý kỷ luật 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương; 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay đã xử lý kỷ luật 95 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 19 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống văn hóa của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân để không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó là chú trọng đến việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy, chuyên nghiệp; được trả lương và đãi ngộ phù hợp với cống hiến, tài năng để không cần tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra ông Trạc cũng lưu ý đến nhiệm vụ, giải pháp đột phá nào để hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực.
Theo Vietnamnet https://vietnamnet.vn/ong-phan-dinh-trac-vi-sao-xu-nhieu-can-bo-nhung-van-con-nhieu-vu-tham-nhung-lon-2203697.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin