Thảo luận tại hội trường: Trách nhiệm, thẳng thắn, toàn diện và sát thực tiễn

20:28, 06/12/2023

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 6/12, kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.

Các đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng chủ trì phiên thảo luận.

Tham dự có các đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các vị đại biểu HĐND tỉnh.

Toàn cảnh kỳ họp.
Toàn cảnh kỳ họp.

Trước khi thảo luận tại hội trường, tổ trưởng của 4 tổ thảo luận đã thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ sáng 6/12. Với không khí sôi nổi, tập trung, dân chủ, thẳng thắn, đã có 48 lượt ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận ở 4 tổ. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp đã nêu trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024.

Đại biểu Lê Thị Kim Chung (Quỳnh Lưu) phát biểu thảo luận
Đại biểu Lê Thị Kim Chung (Quỳnh Lưu) phát biểu thảo luận.

Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 6/12, những nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của các địa phương ở lĩnh vực nông nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ, chế độ cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã đã được lãnh đạo các ngành chức năng trả lời cụ thể.

Đại biểu Lê Thị Kim Chung – Đơn vị bầu cử huyện Quỳnh Lưu nêu “Bố trí, sử dụng công chức cấp xã được quy định cứng thì khi về thực hiện ở cơ sở lại còn vướng mắc. Đề nghị UBND tinh quy định về số lượng chức về đơn vị hành chính”.

Ông Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Sở Nội vụ trả lời ý kiến đại biểu nêu.

Làm rõ vấn đề đại biểu Chung nêu, ông Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Sở Nội vụ trả lời: liên quan đến thực hiện Nghị định 33 của CP ban hành ngày 10/6/2023, Sở Nội vụ đã tổ chức rất nhiều đoàn đến cơ sở xây dựng dự thảo, xin ý kiến của các cấp, các ngành, tổ chức hội thảo, thực hiện việc hoàn thiện dần trình các cấp có thẩm quyền, trình HĐND tỉnh lần này. 

Về vấn đề cử tri băn khoăn chế độ cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã có việc cào bằng mà không tính đến chức năng, nhiệm vụ của đối tượng này, tuy nhiên, theo quy định thì có 3 mức, đó là xã loại 1 thì bằng 2,1 mức lương cơ sở, loại 2 là 1,8 và loại 3 là 1,5 mức lương cơ sở. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ có đề xuất một số chức danh để hưởng các quy định này. Và lý do một số chức danh được hưởng 1,5 mức lương cơ sở không phân biệt cấp phó của đơn vị này với các tổ chức chính trị xã hội bởi vì vị trí việc làm để xác định được cấp phó đơn vị nào quan trọng hơn, nhiều việc hơn là rất khó.

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, dự thảo Nghị quyết mới quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, xóm, khối, bản ở mức cao nhất theo quy định tại Điều 34 của Nghị định số 33 năm 2023 của Chính phủ. “Phụ cấp cho đội ngũ bán chuyên trách còn thấp, việc nâng lên lần này, có mức tăng lên đến hơn 40 % so với Nghị định. Mức tăng này cũng đã cố gắng lắm rồi. Mong muốn bộ phận cán bộ bán chuyên trách cấp xã, khối xóm bản cũng chia sẻ thêm. Bổ sung thêm 4 chức danh văn phòng cấp ủy, Đài truyền thanh, quy tắc đô thị...” - ông Hưng trao đổi.

 Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi tại phiên thảo luận.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã giải trình làm rõ thêm về việc tổ chức các đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; công tác tham mưu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào Đan Lai ở hai bản của xã Môn Sơn, huyện Con Cuông  nằm trong vườn Quốc gia Pù Mát.

 Đại biểu Nguyễn Công Văn – Đơn vị bầu cử huyện Nghi Lộc nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Công Văn – Đơn vị bầu cử huyện Nghi Lộc đặt vấn đề: “Tìm ra nguyên nhân vì sao các chương trình mục tiêu quốc gia đạt được  thấp. Quan tâm chỉ đạo để chương trình Quốc gia có hiệu quả để mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào miền núi. “

Đại diện lãnh đạo Sở LĐTBXH trao đổi tại phiên thảo luận.

Liên quan đến nguyên nhân vì sao các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp, lãnh đạo các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã làm rõ nguyên nhân và các giải pháp trong thời gian tới.

Làm rõ hơn về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia, ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp ngành quan tâm chú trọng với quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95-100%. Cụ thể, đã kịp thời thông báo vốn ngay từ khi có kế hoạch; ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó có 1 NQ của Ban cán sự UBND tỉnh chỉ đạo điều hành về đẩy nhanh giải ngân; Thành lập các tổ do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đôn đốc chỉ đạo đẩy nhanh vốn. Năm nay thành lập các tổ công tác cấp phòng trực tiếp xuống các địa phương có tỉ lệ vốn giải ngân thấp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Duy trì báo cáo 10 ngày/lần về tiến độ giải ngân; Quyêt liệt chỉ đạo điều hành điều chỉnh vốn từ rất sớm. Hiện tỉnh đã thực hiện điều chỉnh 47 lượt dự án với tổng số vốn 687 tỷ đồng. Riêng vốn chương trình MTQG đã điều chuyển 27 dự án với tổng số vốn 27 tỷ đồng, Kế hoạch 223 điều chỉnh 25 dự án với tổng số vốn 51 tỷ đồng. Đặc biệt, đã điều chuyển 1 chủ đầu tư từ uỷ ban cấp huyện sang chủ đầu tư chuyên ngành. Dự án này hiện đã đấu thầu và chuẩn bị giải ngân. Số liệu cập nhật đến 30/11/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 68%. Trong đó đầu tư công tập trung đạt tỉ lệ 58%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 56%.

Đồng chí Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư phát biểu giải trình.
  Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phạm Hồng Quang phát biểu giải trình.

Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết việc giải ngân chậm ngoài nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân khách quan như đối với chương trình phục hồi kinh tế thời gian giao vốn muộn, trong khi đó tổng vốn đầu tư lớn, hồ sơ thủ tục nhiều nên cần phải có thời gian. Đây cũng là tình hình chung trên cả nước.

Đối với vốn nước ngoài tình hình giải ngân chậm, kéo dài nhiều năm là do đặc thù nên quy trình phức tạp hơn so với dự án trong nước.

Còn đối với các chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững, do nhiều văn bản, trong khi điều hành chưa đồng bộ, kịp thời gây lúng túng trong quá trình xử lý. Bên cạnh đó, vốn trung hạn cho chương trình giao chậm hơn so với các nguồn vốn khác; nguồn lực của các ban dự án vừa thiếu vừa yếu cũng là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm.

 Đại biểu Phan Thị Minh Lý – Đơn vị bầu cử huyện Yên Thành nêu ý kiến.

Đại biểu Phan Thị Minh Lý – Đơn vị bầu cử huyện Yên Thành nêu “Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại như thiếu giáo viên, các trường lựa chọn sách giáo khoa không giống nhau, điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đồng đều. Đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh khắc phục những hạn chế đó...”

  Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành trao đổi tại phiên thảo luận.

Trả lời vấn đề này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi: “Để đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng trong giáo dục sẽ thành lập trường bán trú, nội trú ở các huyện miền núi...Về sách giáo khoa, ngành Giáo dục chỉ đạo các trường khi đã chọn bộ sách nào thì năm sau sẽ chọn bộ sách đó để bảo đảm ổn định.”

Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cũng đã trao đổi về nguyên nhân, giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông; các giải pháp để đẩy nhanh các công trình trọng điểm về giao thông trên địa bàn tỉnh.

 Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hoàng Phú Hiền trao đổi tại phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu có trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc, toàn diện, sát thực tiễn, trên tinh thần xây dựng và vì sự phát triển chung của tỉnh. Với trách nhiệm của người đứng đầu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu có trách nhiệm để chỉ đạo xử lý và giải quyết ở mức tối đa những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri kiến nghị để hoàn thiện giải pháp, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Liên quan đến công tác phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện – vấn đề được đại biểu đề cập tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay UBND tỉnh thực hiện phân cấp ủy quyền cho cấp huyện rất mạnh, đã phân cấp về quản lý quy hoạch, phân cấp về quản lý xây dựng, ủy quyền về xác định giá đất. Tuy nhiên việc phân cấp phải thực hiện trong điều kiện chung cho tất cả các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu phân tích và làm rõ thêm kết quả trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội nổi bật trong năm 2023. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; sự đồng hành của HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, năm 2024 là một năm hết sức khó khăn, UBND tỉnh đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 9-10 %, đây là một mục tiêu cao nhưng phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu và mong muốn mong muốn nhận được sự ủng hộ của đại biểu HĐND tỉnh.

 Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Về nhiệm vụ trọng tâm: Ngay sau cuộc họp này, tổ chức phân công thành các tổ công tác để chỉ đạo. Tập trung hoàn thành các cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu. Thực hiện quy hoạch tỉnh có hiệu quả. 3 đề án hết sức quan trọng, nhất là sắp xếp đơn vị hành chính, mở rộng không gian đô thị TP Vinh, mở rộng khu kinh tế Đông Nam với phương châm là động lực của phát triển. Đẩy mạnh các dự án của ngành giao thông; Tập trung thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư công và triển khai các thủ tục để giải phóng mặt bằng dự án. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số. Nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các vướng mắc từ cơ sở để tránh phát sinh các điểm nóng” .

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu kết luận buổi thảo luận tại hội trường.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu kết luận buổi thảo luận tại hội trường.

Qua đường dây điện thoại trực tuyến, trong ngày hôm nay, kỳ họp cũng đã nhận được 26 lượt ý kiến của cử tri phản ánh qua đường dây điện thoại nóng.

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện