Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tình cảm sâu nặng của Bác dành cho quê hương qua những bức thư

18:29, 01/05/2019
Cả cuộc đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có thể về thăm quê 2 lần, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình, Người luôn dành tình cảm sâu nặng cho quê hương. Trong 24 năm làm Chủ tịch nước, Người đã có 47 bức thư, bài nói chuyện, bài viết dành cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An. Trong đó, những bức thư của Bác dặn dò quê hương nhiều vấn đề quan trọng và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 17/9/1945, chỉ sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập nửa tháng, trong bối cảnh phải đối phó với thù trong giặc ngoài và muôn vàn khó khăn, Bác đã gửi bức thư đầu tiên về cho quê hương Nghệ An. Bức thư Bác viết trên cương vị “một đồng chí già”. Người căn dặn: “Trong lúc công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi, tôi sẵn sàng giúp ý kiến”.

Nhớ về bức thư đầu tiên Bác gửi cho quê hương, ông Bùi Đình Sâm – Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xúc động nói: Đây là tình cảm chân tình Bác dành cho quê hương. Xét trong hoàn cảnh mà viết, đây là bức thư đầu tiên Bác viết riêng cho địa phương, từ đó có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của Người.

Bức thư Bác gửi cho thị xã Vinh (cũ).

Từ năm 1945 cho đến trước khi đi xa, Bác thường xuyên gửi thư thăm hỏi, nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đoàn kết, thương yêu, động viên nhau hăng hái tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc để xứng đáng với truyền thống Xô viết anh hùng. Đối tượng các bức thư Bác gửi cũng rất đa dạng, có những bức thư Bác gửi cho một cá nhân, có thư gửi cho toàn thể nhân dân xã Nam Liên hay gửi Hội phụ lão, các cháu học sinh trong xã, có thư gửi cho nhân dân một địa phương như gửi đồng bào thị xã Vinh, gửi đồng bào huyện Quế Phong... thư gửi cho Đảng bộ tỉnh và gửi chung cho toàn thể đồng bào tỉnh Nghệ An.

Ông Bùi Đình Sâm – Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ: Bác luôn luôn có tình cảm đặc biệt. Trong 47 bức thư Bác gửi cho quê hương đã dành mối quan tâm cho hầu hết mọi đối tượng, từ người già đến trẻ em, phụ nữ, đoàn viên thanh niên; từ bộ đội, dân quân đến công nhân, nông dân, đồng bào công giáo...

Trong thư, Bác dành mối quan tâm hầu hết các đối tượng từ người già đến trẻ em, phụ nữ, đoàn viên thanh niên; từ bộ đội, dân quân đến công nhân, nông dân, đồng bào công giáo.

Ông Trương Công Anh – Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ thêm: Trong những bức thư, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng mà Người có lời dặn khác nhau, nhưng đều có chung mong mỏi tất cả phát huy thể mạnh của quê hương, luôn luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu trong sản xuất, phát triển kinh tế và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.  

Đặc biệt, trước khi qua đời chỉ hơn 1 tháng, Người còn gửi thư cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, căn dặn những điều mà Người hằng quan tâm đối với tỉnh nhà và nhờ Tỉnh ủy chuyển lời chúc toàn thể đồng bào chiến sỹ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong tỉnh mạnh khỏe và tiến bộ”. Bức thư cuối cùng này có giá trị như một bản di chúc thiêng liêng của Người đối với quê hương.

Thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu bùi ngùi nhớ lại: Bức thư cuối cùng Bác gửi cho Đảng bộ và nhân dân là ngày 21/7 dương lịch và điều ngẫu nhiên ngày Bác mất đúng ngày 21/7 âm lịch. Có lẽ, Bác đã có linh cảm mà chúng ta khó có thể lý giải. Vì vậy, bức thư cuối cùng giống như di chúc dành riêng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xứ Nghệ. Trong đó, sự kỳ vọng, tình cảm mà Bác hướng về quê hương “Nghệ An sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất của cả nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng Nghệ An sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất của cả nước.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân ôn lại những tình cảm sâu nặng, lời căn dặn tâm huyết trong những bức thư Bác gửi về cho quê hương để nỗ lực xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp hơn, đáp ứng lòng mong mỏi và kỳ vọng của Người lúc sinh thời.

Mai Hương – Ngọc Mai