Cầu truyền hình “Nguồn sáng dẫn đường”: Giá trị của bản Di chúc và thế hệ “Thanh niên làm theo lời Bác”
Dự buổi lễ tại điểm cầu Nghệ An, về phía TP. Hồ Chí Minh có các đồng chí: Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Thân Thị Thư - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Lê Thanh Liêm - Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã dành trọn đời cho sự nghiệp Cách mạng, cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Người đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho thế hệ mai sau, niềm tin và khát vọng thống nhất Tổ quốc, niềm tin và ước vọng đất nước Việt Nam thân yêu sẽ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…Tất cả tình yêu thương và lời căn dặn được Người trao gửi cho thế hệ mai sau trong Bản Di chúc thiêng liêng bất hủ. Nửa thế kỷ đã trôi qua, những lời căn dặn trong Di chúc của Người vẫn sáng rõ tầm nhìn thời đại và vẹn nguyên giá trị; Là những chỉ dẫn quý báu, động lực tinh thần giúp chúng ta vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, chấp nhận thách thức để tiến tới con đường phát triển bền vững. “Nguồn sáng dẫn đường” là cầu nối để thế hệ hôm nay và mai sau khắc sâu và thực hiện tốt hơn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Di chúc và Khát vọng thống nhất
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam - Bắc với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.
Tham gia giao lưu tại cầu truyền hình trực tiếp, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương một lần nữa khẳng định: Bản Di chúc đã kết tinh được tất cả trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Theo ông, đây thực sự là một công trình lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền, xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam. Bản Di chúc thời điểm đó đã thể hiện khát vọng to lớn: Thống nhất đất nước.
Chia sẻ về những năm tháng cả nước thực hiện Di chúc của Bác sau ngày đất nước thống nhất, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo không giấu được nụ cười tự hào: Thời đó thế hệ thanh niên với tinh thần lao động XHCN, không quản bất cứ một việc gì, miễn là việc đó đem lại lợi ích cho tập thể, cho xã hội, đóng góp xây dựng đất nước, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu theo Di chúc của Bác.
Thông qua câu chuyện của thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất, cũng như chia sẻ của 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Chí Thi và Hồ Vai tại chương trình, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo khẳng định mỗi kỷ vật, mỗi lời dạy của Bác Hồ đều để lại những tình cảm sâu sắc và như một lời hiệu triệu, động viên các thế hệ người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn.
Ông cũng chia sẻ vào thời điểm Bác Hồ mất, khi đó ông đã là nhà giáo, trực tiếp chứng kiến lễ tang của Bác, chứng kiến sự đau thương mất mát của cả dân tộc, ông đã dặn lòng phải để cả cuộc đời chuyên tâm nghiên cứu về bản Di chúc của Người, nghiên cứu về tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, với mong muốn để truyền lửa tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Bác đến với các thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Giá trị của bản Di chúc từ đại thắng 1975 và thế hệ “Thanh niên làm theo lời Bác”
Tinh thần "Sống chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" của thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã tiếp lửa cho các thế hệ sau 1975. Như Bác đã khẳng định trong Di chúc: "Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn". Sau ngày Miền Nam được giải phóng, người dân đã bắt tay vào xây dựng lại đất nước. Và thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống của cha ông, cũng đã lao động hăng say kiến thiết và xây dựng đất nước.
Cùng tham gia giao lưu trong chương trình còn có những thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác, đam mê khoa học, sáng tạo với rất nhiều dự án khởi nghiệp thành công như: anh Thiên Vũ – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc vận hành công ty MIMOSA TEK; Lê Yên Thanh – Thành viên nhóm thiết kế ứng dụng Busmap trên điện thoại di động và các thiết bị thông minh nhằm phục vụ mục đích theo dõi các tuyến xe buýt, giúp việc đi lại của người dân (tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh) và anh Hồ Xuân Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu có sản phẩm xuất khẩu sang 7 quốc gia (điểm cầu Nghệ An). Đây đều là những thanh niên “dám nghĩ, dám làm” và đã đạt được những thành công, góp phần xây dựng quê hương, đất nước trên con đường hội nhập quốc tế.
Vinh dự có mặt tại một chương trình nhiều ý nghĩa, anh Hồ Xuân Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu đã chia sẻ khi còn đi học anh rất thích lịch sử, đặc biệt rất thích Di chúc Bác. Theo anh, đó là một văn bản lịch sử có giá trị và nhân văn, Bác đã căn dặn thanh niên: tuổi trẻ phải có chí tiến thủ, hoài bão lo việc lớn, vì nước vì dân, đặc biệt là phải có đạo đức.
Yêu cầu cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Lá thư cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An vào ngày 21/7/1969, tức là chỉ hơn 1 tháng trước khi Người đi xa. Đây được xem như "Bản di chúc" của Người viết riêng cho quê hương xứ Nghệ. Tuy là bức thư Bác gửi cho một Đảng bộ địa phương, nhưng cũng là lời dạy sâu sắc về công tác xây dựng, chỉnh đốn chung cho toàn Đảng. Tại chương trình, những chia sẻ của ông Trương Công Anh - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An cũng đã nêu lý do vì sao trong Di chúc, Bác đặc biệt nhấn mạnh Đảng ta: "phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình". Theo ông Trương Công Anh, yêu cầu của mọi giai đoạn cách mạng, Đảng muốn thực sự vững mạnh, đòi hỏi rất cao ở mỗi đảng viên về phẩm chất đạo đức.-Đảng vững mạnh là phải mạnh từ TW, xuống đến địa phương, từng Chi bộ phải vững mạnh và mỗi đảng viên phải trong sạch vững mạnh. Bác từng nói: "Đảng là ai, Người trả lời: Đảng là mỗi chúng ta!". Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình!
Xây dựng chỉnh đốn Đảng được Hồ Chủ tịch dặn dò trong Di chúc như là một nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng. Đây không chỉ là vấn đề của hôm qua mà còn là vấn đề rất thời sự, cấp bách của hôm nay và cả mai sau. Tham gia giao lưu tại chương trình, Tiến sĩ Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng bày tỏ quan điểm: Việc Đảng ban hành một loạt quy chế, chính sách, quy định về nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu... Chống chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm... cũng là biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó là cần có cơ chế kiểm soát giám sát quyền lực cho tốt. Vì vậy, Bác Hồ luôn chú ý "chống" đi kèm với "xây".
Thông qua những câu chuyện và những phần giao lưu trong chương trình, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đã có chia sẻ về nhiệm vụ thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: trong Di chúc Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nhắn gửi: "Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên". Người kỳ vọng và gởi gắm niềm tin rất lớn vào thế hệ trẻ, Bác cho rằng để giúp ích cho xã hội, đòi hỏi con người ghải có cả 2 mặt: hồng và chuyên, tài và đức. Theo đ/c Nguyễn Thiện Nhân, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, thanh niên được kỳ vọng là người giữ trọng trách của lực lượng đi đầu trong sự nghiệp cách mạng đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức đưa đất nước phát triển bền vững. Ngoài việc nắm bắt tri thức, kỹ năng thì việc giáo dục phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ là công việc cấp bách hiện nay. Với trách nhiệm là người đứng đầu Đảng bộ TP HCM, đ/c luôn dành sự quan tâm đến thế hệ trẻ, tạo điều kiện bồi dưỡng để thế hệ trẻ cống hiến và phát triển. Đ/c mong muốn thế hệ trẻ hãy nhớ tới công lao của ông cha, nhớ tới Bác, để nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng góp sức trẻ xây dựng thành phố và đất nước ta ngày càng phát triển, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ từng mong muốn.
Tại chương trình, khán giả cũng đã được gặp gỡ NSƯT Song Thao - một người con của xứ Nghệ. Bà là người vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ, và điều đặc biệt hơn cả: NSƯT Song Thao là người đầu tiên thể hiện ca khúc nổi tiếng: “Trồng cây lại nhớ đến Người”. 50 năm trôi qua, nhưng bà vẫn rất xúc động khi nhắc về thời điểm lần đầu trình bày bài hát đặc biệt này: "Đó là tháng 9/1969, lúc đó tôi đi tập huấn ở Hà Nội chuẩn bị cho chuyến lưu diễn nước ngoài, cả đoàn rất hy vọng được gặp Bác Hồ lần nữa. Nhưng nghe tin Bác mất, chúng tôi khóc rất nhiều. Rồi tôi gặp Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, anh vừa sáng tác bài hát Trông cây lại nhớ đến Người. Anh đưa bài này cho tôi tập chỉ trong 15 phút, sau đó ra Đài tiếng nói Việt Nam thu âm và phát nay để đưa tiễn Bác.Tôi vinh dự là người đầu tiên được trình bày ca khúc này, chỉ một ngày sau khi Bác mãi mãi đi xa".
Còn tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu có dịp gặp gỡ và giao lưu với nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn là người đã sáng tác rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng như "Dấu chân phía trước," "Bài ca không quên," "Đất nước," "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ," “Niềm tin.” Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn đã nhận được nhiều giải thưởng như Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Khán giả cũng đã được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nghệ sỹ, ca sỹ tên tuổi như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Thanh Thúy, Bùi Lê Mận...biểu diễn.
Với hình thức chính luận kết hợp với âm nhạc, nghệ thuật, cầu truyền hình "Nguồn sáng dẫn đường" đã mang đến cho khác giả những câu chuyện, những phần giao lưu, những thước phim tư liệu quý giá...thể hiện đầy đủ, sâu sắc và chân thật giá trị tư tưởng mà Bác đã để lại, cùng với ý chí, quyết tâm thực hiện tâm nguyện của Người. 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta cần tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng những việc làm thiết thực nhất, qua những công việc hàng ngày.
Một số hình ảnh tại Chương trình:
Hiến Chương - Thùy Dương