Tin nóng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển nông nghiệp, cần đẩy mạnh chế biến sâu và chú trọng thị trường nội địa

11:24, 21/02/2020
Sáng nay (21/2), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính Phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành trong cả nước về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”.

Tại điểm cầu Nghệ An do đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

 
 Tại điểm cầu Nghệ An.

Đến nay cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta có những bước phát triển đáng kể, đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm. Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn ngành. Tuy nhiên khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ. Trình độ công nghệ chế ở mức độ trung bình của thế giới, tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Hệ thống Logistics phục vụ nông nghiệp mới phát triển, cơ chế chính sách của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn đề doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. 

 
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An.

Hội nghị cũng thống nhất đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp; Những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung đều được cơ giới hóa đồng bộ và tiến tới tự động hóa. Để đạt mục tiêu trên, các tham luận của các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành, các hiệp hội, doanh nghiệp bên cạnh phân tích sâu những khó khăn, vướng mắc hiện nay cũng đã đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là một hội nghị quan trọng vì liên quan đến khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép hiện nay là vừa chống dịch Covid 19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp và đặc biệt là tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển. Đồng thời cho biết, ngay sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Thủ tướng Chính Phủ cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chủ động với thị trường, giải quyết được tình trạng “được mùa rớt giá”. Bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa và cho rằng đây là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có sản phẩm nông thủy sản chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khỏe. Thủ tướng cũng yêu cầu phải giảm tỉ lệ lao động trong nông nghiệp mạnh mẽ bằng cách áp dụng cơ giới hóa.  Tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ  như ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, cơ khí để nâng cao giá trị, chất lượng nông sản. Muốn cạnh tranh được phải giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Thủ tướng Chính Phủ cũng cho biết sắp tới sẽ trình Ủy ban Thường vụ về chính sách tích tụ đất đai trong nông nghiệp.  Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu về xây dựng một nền nông nghiệp tín nhiệm, đó là nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ. Đồng ý với định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành liên quan, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố, bên cạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách thực chất và hiệu quả hơn.

                                                                     

Mai Hương – Quốc Toàn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện