Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sáng nay phóng 15 tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Iraq là Ain al-Asad và Irbil. Đòn tập kích của Iran được phát động lúc 1h20, trùng thời điểm tướng Qasem Soleimani bị máy bay không người lái Mỹ hạ sát ở Baghdad hôm 3/1.
Giới quan sát cho rằng cuộc tập kích tên lửa của Iran là động thái được dự đoán từ trước nhằm báo thù cho cái chết của tướng Soleimani. Tuy nhiên, hành động quyết liệt này của Tehran cũng là sự đáp trả "vỗ mặt" Trump, người trước đó đe dọa sẽ không kích 52 mục tiêu của Iran nếu nước này có động thái trả đũa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi thảo luận với chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Phòng Roosevelt, Nhà Trắng ngày 6/12. Ảnh: AFP.
Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố rằng Washington không muốn chiến tranh với Tehran nhưng "sẵn sàng kết thúc một cuộc chiến". Chỉ vài giờ trước cuộc tập kích của Iran, Trump gia tăng lời đe dọa bằng tuyên bố "Nếu Iran làm điều không nên làm, họ sẽ phải lĩnh hậu quả và nó sẽ rất quyết liệt".
Đòn đáp trả của Iran cũng đặt ra câu hỏi về lời hứa tranh cử của Trump rằng ông sẽ không để Mỹ liên quan đến bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác ở Trung Đông, bình luận viên Andrew Buncombe từ Independent nhận xét.
"Đây chính là thời khắc chúng ta lo sợ", Stephen Miles, giám đốc điều hành tổ chức Win Without War có trụ sở ở Washington, nói, đề cập tới cuộc tấn công của Iran. "Cuộc chiến của Trump với Iran đã leo lên cấp độ mới. Iran nên dừng ngay lập tức các cuộc tấn công như vậy, nhưng chính Trump là người châm ngòi xung đột từ đầu vì đã chọn đối đầu thay ngoại giao".
Theo Thomas Juneau, phó giáo sư kiêm chuyên gia về Iran tại Đại học Ottawa, Canada, quyết định tập kích hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq của IRGC là "một canh bạc lớn".
"Iran có lẽ cho rằng Trump sẽ không muốn bị lún sâu vào một cuộc chiến tranh quy mô ở Trung Đông. Điều này tạo thêm động lực khiến họ quyết định hành động", Juneau viết trên Twitter. "Tuy nhiên, đây vẫn là canh bạc lớn bởi Trump là một người vô cùng khó đoán".
Randa Slim, chuyên gia tại Viện Trung Đông, đánh giá diễn biến tiếp theo sau cuộc tấn công của Iran sẽ phụ thuộc vào cách Trump phản ứng và nhìn nhận nó như thế nào.
"Từ giọng điệu lâu nay của Trump, ông ấy có vẻ như sẽ không bỏ qua đòn trả thù của Iran, đồng nghĩa chúng ta đang bị cuốn vào một vòng xoáy leo thang đến bờ vực một cuộc chiến không chỉ trên lãnh thổ Iran mà còn lan ra khắp khu vực, bao gồm cả Iraq", Slim cho hay.
Các nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi giữ bình tĩnh. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel nhấn mạnh "cả hai bên cần hạ giọng để tìm cách thoát khỏi cơn ác mộng này vì tôi không nghĩ người Mỹ muốn một cuộc chiến tranh".
Theo Alexander Gillespie, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Waikato, New Zealand, cơ hội về một giải pháp hòa bình cho căng thẳng Mỹ - Iran "đang lụi tàn từng phút".
"Iran không run sợ. Họ đang đối đầu với nước Mỹ, họ đang đối đầu với Trump, dù ông ấy muốn hay không", Gillespie nói. "Tôi nghĩ Trump đã phạm sai lầm. Trump tưởng rằng Iran sẽ sợ hãi nhưng họ lại chỉ cảm thấy sự khiêu khích từ ông ấy là rất lớn".
Gillespie cho rằng Mỹ dường như đã nghĩ Iran sẽ chọn cách phản ứng như trong các xung đột trước đây, gồm sử dụng lực lượng ủy nhiệm tấn công đồng minh Mỹ và đe dọa phong tỏa tuyến hàng hải qua eo biển Hormuz. Nhưng thay vào đó, Iran đã chọn cách trực diện hơn là tấn công căn cứ Mỹ.
"Điều đầu tiên cần lưu ý là Iran giờ đây không chọn chiến lược gián tiếp là sử dụng lực lượng ủy nhiệm", Gillespie nói. "Mặt khác, quy mô cuộc tấn công cũng là điều gây chú ý. Họ không phóng hàng trăm tên lửa. Họ đang cố đưa ra một phản ứng tương xứng".
Trump hiện có ba lựa chọn để đáp trả các cuộc tấn công của Iran, Gillespie cho biết. "Lựa chọn đầu tiên là không làm gì và tìm một biện pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng", ông nói. "Lựa chọn thứ hai là tiếp tục đưa ra một phản ứng tương xứng, phóng tên lửa vào hai căn cứ của Iran. Và lựa chọn thứ ba là không kích toàn bộ 52 mục tiêu ở Iran".
Gillespie cảnh báo nếu Mỹ nhắm mục tiêu vào 52 vị trí của Iran như Trump từng đe dọa, "một cuộc chiến tranh toàn diện" sẽ nổ ra. "Ông ấy có thể lùi lại, hứng chịu cú đánh và gây áp lực lên Iran theo những cách khác, không bao gồm phóng tên lửa. Nhưng tôi không nghĩ Trump sẽ làm vậy. Tôi nghĩ ông ấy đang tự dồn mình vào góc tường", Gillespie nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin