Những ngày tháng 5 lịch sử, cả dân tộc đang hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890-19/5/2020), chúng tôi có dịp đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt ở xóm 22, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt, sinh năm 1932, là con thứ 5 trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em. Năm 1964, Đoàn Minh Nguyệt nhập ngũ vào Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 và được cử đi đào tạo lái xe quân sự. Tháng 1/1965, ông được điều vào “tuyến lửa” Quân khu 4 và được biên chế về Cục Hậu cần Quân khu 4 với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực thực phẩm, đạn dược từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam thông qua nước bạn Lào.
Những chuyến xe vận chuyển hàng hoá chi viện miền Nam. Ảnh tư liệu - Nguồn: internet |
Không ngại gian khổ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, từ năm 1965 đến năm 1968 ông cùng đồng đội đã vận chuyển trên 600 chuyến hàng, hơn 1.000 tấn vũ khí, lương thực và đưa hàng nghìn chiến sĩ vào chiến trường. Với những thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tháng 8/1968 cựu chiến binh Đoàn Minh Nguyệt vinh dự được đại diện cho ngành lái xe quân sự của LLVT Quân khu 4 ra Hà Nội báo cáo điển hình lái xe giỏi tại Hội nghị “Chiến sĩ lái xe giỏi và thợ sữa chữa xe giỏi toàn quân” do Tổng cục Hậu cần tổ chức. Hội nghị năm đó có đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến dự.
Cựu chiến binh Đoàn Minh Nguyệt nhớ lại: “Lúc đó đồng chí Lê Duẩn thông báo do bận công việc nên Bác Hồ không tham dự hội nghị đươc. Nhưng Bác rất vui vì có nhiều chiến sĩ lái xe và thợ sửa xe đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Được sự ủy quyền của Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn đã trao lá cờ của Bác dành tặng cho ngành xe quân sự, là cờ có thêu dòng chữ “Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đây vừa là lời động viên cũng là chỉ thị, là nhiệm vụ Bác giao cho bộ đội vận tải chúng tôi”.Hỏi về những chiến công, phần thưởng mà mình có được trong suốt quá trình tham gia chiến đấu, lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt bảo rằng: Phần thưởng cao quý nhất của ông đó là vinh dự gặp Bác và được chính tay Bác Hồ gắn huy hiệu của mình lên ngực áo.
“Hội nghị kết thúc, tối hôm đó khi ăn cơm xong, tôi được thông báo là chuẩn bị để đi đến gặp Bác Hồ. Sau khi xe đưa chúng tôi đến Phủ Chủ tịch, được đồng chí bảo vệ dẫn vào ngôi nhà Bác ở và chúng tôi được Bác tiếp ở đó”, ông bồi hồi nhớ lại.
Anh hùng LLVT Đoàn Minh nguyệt (ngồi giữa) chia sẻ về ký ức lần đầu gặp Bác. |
Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ lần lượt giới thiệu tên, tuổi, quê quán và thành tích của mọi người, Bác đã ân cần hỏi riêng tôi: “Bộ đội lái xe đi trên đường vận chuyển đêm hôm không có đèn, đi mò mẫm vậy đi có vất vả lắm không cháu”. Tôi thưa với Bác: “Thưa Bác chúng cháu không vất vả, các chiến sĩ và đồng bào ở phía trước trận chiến mới vất vả ạ!”. Bác nói “Giặc Mỹ đang có âm mưu ngăn chăn, đánh phá con đường tiếp tế của ta cho miền Nam, công việc của các cháu vất vả, nguy hiểm nhiều nhưng phải cố gắng, cùng với mọi người khắc phục khó khăn, làm tốt công tác vận chuyển đạn dược, lương thực, thuốc men cho bộ đội nơi tuyến đầu đánh giặc”. Nói xong Bác liền lấy trong túi mình ra 6 chiếc huy hiệu và trực tiếp tay Bác gắn lên ngực của từng người một. Xúc động trước món quà Bác tặng, những thành viên trong đoàn đã tự hứa với lòng mình sẽ quyết tâm khắc phục khó khăn, vận chuyển được nhiều hàng hóa phục vụ cho các chiến trường để đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược.
Trước khi chia tay, Bác vui mừng và dặn dò chúng tôi “Các cháu là những tấm gương tiêu biểu về đơn vị phải là lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào vận tải, vận chuyển hàng hóa để cung cấp cho bộ đội yên tâm đánh giặc, đừng để bộ đội thiếu thốn, vất vả nhé”.
Từ ngày gặp Bác, ông Nguyệt luôn khắc ghi những lời Bác Hồ dạy, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với những thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bám đường, bám xe, tháng 8/1970 anh lính lái xe Đoàn Minh Nguyệt vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Từ người lính lái xe, cuối năm 1974, ông được đề bạt lên Đại đội trưởng chỉ huy tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh kết thúc, ông Đoàn Minh Nguyệt tiếp tục công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 4 cho đến năm 1983 về hưu./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin