Khẳng định được vị thế quan trọng
Ra đời vào dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu (ngày 19/5/2014), đến nay Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội đã ghi được rất nhiều dấu ấn trong lòng người hâm mộ, đặc biệt là sau khi Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (ngày 27/11/2014).
Ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội phát biểu chúc mừng Câu lạc bộ Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội. |
Trải qua 9 năm hoạt động, CLB đã thu hút ngày càng đông các thành viên tham gia. Cùng chung tình yêu với những làn điệu dân ca, với xứ Nghệ dấu yêu, các thành viên đã cùng nhau sáng tạo, biểu diễn và mang nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt tỏa sáng trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội, cũng như người dân trên mọi miền Tổ quốc.
Những buổi biểu diễn Dân ca Ví Giặm nhân các ngày lễ tết, theo đề xuất của các cơ quan, đơn vị, hay những buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB đã được người dân Thủ đô đón nhận hết sức nhiệt tình. Đây thực sự là niềm vui, là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa đối với Ban Chủ nhiệm và các thành viên CLB.
Bà Nguyễn Thị Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội cho biết: “Có được những thành quả quan trọng ấy, ngoài sự nỗ lực của Ban Chủ nhiệm và các thành viên CLB Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, còn là sự giúp đỡ, động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành trung ương, Ban Liên lạc Hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh tại Hà Nội, các nhạc sỹ, nghệ sỹ, ca sỹ, những nhà hảo tâm...”.
Ông Nguyễn Lương Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đại diện Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch chúc mừng Câu lạc bộ Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Dân ca Ví Giặm đã đi sâu vào tâm hồn những người con xứ Nghệ, thấm vào làn da, thớ thịt, thấm đến mức ở đâu có người xứ Nghệ là ở đó có Dân ca Ví Giặm. Và vì thế, Dân ca Ví Giặm đã vượt biên giới Nghệ An, Hà Tĩnh ra với đồng bào cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài" - ông Hợp nói.
Cũng theo ông Lê Doãn Hợp, Dân ca Ví Giặm trở nên sôi động bắt đầu từ năm 1999, khi UBND Tỉnh Nghệ An ra Chỉ thị đưa dân ca vào trường học, từ đó phong trào dạy và hát dân ca trở nên sôi nổi cả tỉnh, từ nông thôn đến miền núi. Thật vinh dự khi ngày 27/11/2014, UNESCO đã tôn vinh Dân ca Ví Giặm là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
"Dân ca Ví Giặm đã thực sự trở thành cao trào, lan tỏa rất mãnh liệt ở quê hương, cũng như tất cả những nơi có người Nghệ sinh sống. Các đồng chí trong Ban lãnh đạo Hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh tại Hà Nội đánh giá rất cao sự nỗ lực và những kết quả mà Câu lạc bộ Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà nội đã đạt được trong thời gian qua” - ông Hợp nói.
Ông Hợp cho rằng, yêu Dân ca Ví Giặm là cội nguồn của tình yêu đối với quê hương đất nước. Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca Ví Giặm cũng là giữ gìn và phát huy cốt cách của người dân xứ Nghệ, của dân tộc Việt Nam.
Lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới
Ông Nguyễn Lương Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đại diện Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Tôi đã dự rất nhiều chương trình của các nghệ sỹ và tôi chưa bao giờ thấy xúc động như hôm nay. Có thể nói, những lời ca, tiếng hát của các cô chú, anh chị hôm nay đã chạm đến trái tim của tất cả khán giả, trong đó có tôi. Dân ca Ví Giặm có lịch sử song hành cùng với lịch sử đất nước. Dù chúng tôi không phải là những người được sinh ra trên mảnh đất Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng những câu lý, điệu hò đã nuôi dưỡng chúng tôi trong cả quá trình phát triển và góp phần giúp chúng tôi được trưởng thành như ngày hôm nay”.
Bà Nguyễn Thị Thành, Chủ nhiệm CLB “Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh” tại Hà Nội (thứ 3, phải sang) phát biểu đáp lời cảm ơn các Bộ, ban, ngành trung ương và Hà Nội, cùng các tổ chức, các nghệ sỹ đã đến tham dự, chung vui tại sự kiện diễn ra tối ngày 14/11 tại Hà Nội. |
Ông Thắng cũng khẳng định, những lời ru, tiếng hát được các nghệ nhân, nghệ sỹ cất lên thật ngọt ngào, sâu lắng. Phải là những người rất yêu quê hương đất nước và có tấm lòng rất bao dung thì mới thể hiện được toàn bộ những nội dung sâu lắng đến vậy.
“Năm 2022 là năm chủ đề của xây dựng môi trường văn hóa và công tác tổ chức cán bộ và cuối năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng kết đưa ra các mô hình văn hóa điểm để từ đó nhân rộng ra toàn quốc. Có thể khẳng định, mô hình CLB Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội chắc chắn sẽ được đề xuất là một trong những mô hình điểm để cùng với tất cả các làn điệu dân ca khác, Dân ca Ví Giặm sẽ ngày càng đi sâu vào cuộc sống, thấm đẫm tình người và sẽ có sự lan tỏa không những ở cộng đồng Việt Nam mà còn ở tất cả các nước trên thế giới” - ông Nguyễn Lương Thắng nhấn mạnh.
Sự kiện ngoài sự tham dự của tham dự của đại diện Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội, còn có hơn 200 văn nghệ sĩ, diễn viên quần chúng, nghệ nhân bảo tồn văn hóa đến từ hơn 20 CLB Ví Giặm của Nghệ An, Hà Tĩnh và Thủ đô Hà Nội. Trong đó có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Vương Hà, NSND Hồng Năm, NSUT Thanh Loan, NSUT Phương Hồng, Nghệ sỹ - Tiến sỹ Anh Thơ, Ca sỹ sao mai Thanh Tài, Ca sỹ sao mai Vĩnh Toàn… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin