Mâm ngũ quả ngày Tết
Cứ vào khoảng 28 tháng Chạp âm lịch gia đình bà Nguyễn Thị Cúc ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương đã lo bày biện một mâm ngũ quả kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Theo bà Cúc thì mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Các loại quả bày trên mâm được bà Cúc lau rửa sạch sẽ, bày biện một cách cầu kỳ đẹp mắt. Bà cho rằng: Mâm ngũ quả không cần phải những loại hoa quả đắt tiền mà là những thứ giản dị, gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Và quan trọng nhất là tấm lòng thành kính của mình gửi vào trong đó. Hoa qủa là lộc của thiên nhiên, đất trời cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu Xuân là tục lệ đẹp đẽ đầy tính nhân văn.
Mâm ngũ quả có 5 loại. Theo các vị cao niên, am tường về Nho giáo thì xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến quan niệm triết lý Khổng giáo của phương Ðông, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên, gọi là “ngũ hành”: Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ, nghĩa là 5 yếu tố cấu thành vũ trụ. Còn theo quan niệm của dân gian thì “quả“ (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này đựơc kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, tổ tiên trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu và tâm thức của người Việt Nam bao đời nay.
Gia đình chị Võ Thị Lam ở TP Vinh, năm nào cũng vậy, chị quan tâm nhất đến việc lựa chọn các loại quả để thờ cúng tổ tiên trong những ngày tết, chị cũng cho rằng mâm ngũ quả không cần phải là loại đắt tiền mà phải thật tươi và có sự phối hợp về màu sắc để trang trí đẹp mắt.
Ðã gọi là ngũ quả thì nhất thiết phải là 5 loại quả. Nhưng các vùng, các miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo… Mỗi quả mang một ý nghĩa. Chẳng hạn như: Chuối - phật thủ: như bàn tay che chở. Bưởi - dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn. Hồng - quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
Mâm ngũ quả trong Nam cũng khác so với ngoài Bắc. Trên mâm ngũ quả ở ngoài Bắc thường có: Bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Có khi người ta thay bưởi bằng phật thủ hoặc lựu Mâm ngũ quả trong Nam vẫn cứ giữ nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà các bà thường quan niệm sơ đẳng là “cầu - sung - vừa - đủ - xài”.
Một mâm ngũ quả được bày dưới cùng là một nải chuối to già còn xanh, nải chuối đều, hoặc 2 nải chuối nhỏ ghép bên nhau như một chiếc bệ cong gồm 2 tầng nâng đỡ hoàn toàn hoa trái khác. Ở đây có sự phối hợp màu sắc, mâm ngũ quả đẹp là đủ màu sắc rực rỡ. Bưởi chín vàng, tươi nổi bật trên bệ chuối màu xanh. Những quả chín đỏ đặt xung quanh, những chỗ khuyết dưới đặt xen kẽ quýt vàng và táo màu xanh ngọc, còn bao nhiêu lá xanh cố tình để sót lại ở cuống quả như hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.
Ngày Tết, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Mâm ngũ quả bên cành đào, câu đối đỏ, bức tranh Tết, bánh chưng xanh... tạo nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến xuân về.
(Lê Thủy)