Phong tục giữ lửa đêm giao thừa của người Thái
Cũng như các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, tết Nguyên Đán được người dân mong chờ trong cả một năm, nên mọi nhà ai ai cũng nô nức đón chờ tết đến. Tuy nhiên, tết đối với người Thái niềm vui đó được nhân lên gấp bội bởi trong dịp tết, mọi người mới có thời gian để đi chơi, được ăn ngon mặc đẹp. Và trong những ngày tết, nét văn hóa đặc sắc mới được hội tụ để cho con người cảm nhận rõ hơn về sự phong phú bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Thái. Ông Hà Văn Bình – Bản Đôm 1, xã Châu Phong, huyện Qùy Châu cho biết: Trong ngày 30 tết, mọi gia đình người Thái đều tìm củi để nhóm lửa. Củi phải đẹp, chắc có than hồng để giữ được lửa. Đêm đến thì lấy tro vùi lại qua đêm 30, sáng dạy khơi tro để than vẫn còn hồng, được như được như thế sang năm mới, gia đình mới làm ăn phát đạt.
Khoảng 25 tháng chạp, nhà nhà nô nức chuẩn bị đón tết. Từ sáng sớm tinh mơ đã nghe tiếng chày giã gạo nhộn nhịp, tiếng người lên rừng tìm lá dong, lấy đuốc, lấy củi. Mỗi gia đình đều phải vào rừng tìm 2 khúc gỗ to để nhóm bếp trong đêm 30. Giữ được lửa qua đêm 30 tết để than đỏ và hồng bước sang một năm mới khá quan trọng, bởi theo quan niệm giữ được điều đó, năm mới nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình.
Đêm chuẩn bị đón giao thừa, mỗi thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau. Trong hơi ấm lan tỏa của bếp lửa con người xích lại gần nhau hơn. Ngọn lửa bập bùng, tiếng cháy tí tách, tiếng nói cười râm ran làm cho lòng người thêm ấm áp. Đón giao thừa của người Thái không như các nơi khác là cả nhà ngồi đoàn tụ ở phòng khách, mà họ lại ngồi bên bếp lửa. Khi đã qua thời điểm giao thừa, cả nhà sẽ đi ngủ. Bếp lửa vẫn còn cháy mãi trong đêm. Để cho ngọn lửa tàn chỉ còn lại những hòn than đỏ rực, người phụ nữ trong nhà có tránh nhiệm vùi tro để cho khúc củi vẫn cháy âm ỷ trong đêm. Người Thái quan niệm rằng, nếu như lửa bị tắt, thì người dân quan niệm rằng năm mới gia đình sẽ không được hạnh phúc. Vì vậy, mỗi gia đình đều phải chọn khúc gỗ thật chắc, bền và thẳng. Được như thế, than mới hồng giữ lửa qua đêm. Điều quan trọng người Thái quan niệm gỗ bền, gỗ chắc giống như tình cảm gia đình cũng được thắt chặt hơn.
Sáng mùng một tết, cả gia đình cùng nhau dậy sớm chuẩn bị cho mâm cúng năm mới. Người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình sẽ khơi tro để chuẩn nhóm lửa để chuẩn bị hông xôi, đun nước mổ gà và dọn mâm để cúng. Bếp phải còn than hồng, chỉ cần thêm củi vào và không phải nhen lửa bằng bật lửa hoặc diêm. Đó cũng là quan niệm những điều ấm áp năm cũ sẽ vẫn được giữ gìn, để bước sang một năm mới tốt đẹp cho cả gia đình. Tục giữ lửa qua đêm 30 tết đã được đồng bào Thái ở Quỳ Châu gìn giữ từ xa xưa. Đến ngày nay, con cháu cứ mỗi độ xuân đến lại không thể quên được phong tục của ông cha, mà vẫn được duy trì nguyên vẹn. Tục giữ lửa qua đêm 30 tết thể hiện quan niệm cầu mong những điều tốt đẹp cho một năm mới đã đến.
(Bế Vinh)