Y tế

Căn bệnh khiến Trấn Thành phải nghỉ diễn nguy hiểm thế nào?

08:15, 11/08/2023
Trấn Thành khiến khán giả bất ngờ khi cho biết bản thân mắc một căn bệnh phải hạn chế hoạt động quá sức cũng như đứng quá lâu.

Mới đây, nghệ sĩ Trấn Thành xác nhận bản thân mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở chân, một trong những nguyên nhân gây bệnh là do là anh đứng quá nhiều trong thời gian dài, được các bác sĩ khuyến cáo nên nghỉ ngơi.

Nghệ sĩ Trấn Thành (Ảnh: ST)
Nghệ sĩ Trấn Thành (Ảnh: ST)

Chia sẻ về căn bệnh này, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch (TP. Hồ Chí Minh) cho hay, giãn tĩnh mạch chân (chi dưới) nếu không được phát hiện sớm sẽ để lại những hậu quả từ nhẹ tới nghiêm trọng. Ở mức nhẹ, chân bệnh nhân sẽ sưng phù, gây ảnh hưởng tới cuộc sống.

Bệnh cũng có thể gây giãn mạch nhiều, người bệnh sẽ đau nhiều, gây khó khăn đi lại và dễ bị nhầm với bệnh xương khớp. Bệnh tiến triển nặng có thể làm hình thành các cục huyết khối, cục máu đông di chuyển vào phổi có thể gây thuyên tắc phổi và có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở những nhóm đối tượng như:

- Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

- Người trên 50 tuổi dễ mắc bệnh hơn người trẻ.

- Bệnh có cơ chế di truyền. Trong gia đình có bố mẹ bị mắc giãn tĩnh mạch chân thì con dễ mắc, đặc biệt là con gái.

- Nhóm nghề nghiệp thường phải đứng nhiều, ngồi nhiều.

- Người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch chân cao hơn.

- Thói quen đi giày cao gót có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Giãn tĩnh mạch chân khiến người bệnh bị đau, đi lại khó khăn (Ảnh minh họa)
Giãn tĩnh mạch chân khiến người bệnh bị đau, đi lại khó khăn (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch chân, điều quan trọng nhất là phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, sẽ có một số yếu tố nguy cơ không thể loại bỏ chẳng hạn như tuổi tác, di truyền.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể loại bỏ được như người béo phì cần phải giảm cân; hạn chế các thói quen đứng lâu, ngồi lâu. Nên đứng lên đi lại sau 30 phút ngồi hoặc nếu đứng lâu thì phải ngồi nghỉ một chút. Trong thời gian nghỉ có thể tập các bài thể dục giữa giờ, điều này rất tốt cho cơ thể và sức khỏe tim mạch.

Một số thói quen khác cần phải thay đổi để giảm nguy cơ mắc bệnh chẳng hạn như không nên mặc quần áo bó sát, chật; không nên đi giày cao gót.

"Người bị giãn tĩnh mạch chân sẽ có các triệu chứng cảnh báo như đau ở bắp chân sau, hay mỏi chân. Đa phần các bệnh nhân thường có dấu hiệu chuột rút vào ban đêm, có những bệnh nhân bị chuột rút ít nhưng cũng có trường hợp bị chuột rút không thể chịu được. Khi có dấu hiệu, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa tim mạch, tĩnh mạch thì phát hiện bệnh kịp thời", bác sĩ Hoài Nam nói.

Hiện nay, giãn tĩnh mạch chân có thể được chẩn đoán dễ dàng do có sự hỗ trợ của máy siêu âm và thiết bị chẩn đoán hình ảnh.

Bác sĩ Hoài Nam lưu ý, khi có dấu hiệu bất thường, mọi người nên đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn điều trị đúng và kịp thời.

Trên thực tế, có không ít trường hợp bệnh nhân đau chân, đi khám xương khớp và điều trị mãi không khỏi, đến khi chuyển sang khám chuyên khoa tim mạch mới phát hiện bản thân mắc bệnh giãn tĩnh mạch.

Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chân sẽ được điều trị bằng thuốc chống viêm và các phương pháp điều trị khác để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện