Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện

12:39, 23/08/2018

Vấn đề nóng được các thành viên ủy ban đặc biệt quan tâm, dành phần lớn thời gian để thảo luận tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 8, đó là nguyên nhân dẫn đến đợt lũ lụt nghiêm trọng vừa qua ở các huyện miền Tây Nghệ An, vai trò trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc xả lũ và việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa; Công tác khắc phục hậu quả thiệt hại cơn bão số 4.

 

Sáng nay (23/8), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8 để nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên ủy ban và lãnh đạo các sở, ngành cùng tham dự.

Mở đầu phiên họp, các thành viên UBND tỉnh đã nghe đại diện Văn phòng UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Thông báo kết luận của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp tháng 7 và các buổi làm việc chuyên đề trong tháng 7, tháng 8/2018; Báo cáo về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính và ứng dụng Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh theo Thông báo số 479 của UBND tỉnh. Cụ thể, trong tháng 7 và tháng 8 có 07 Thông báo kết luận của các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Các nội dung tại thông báo kết luận nêu trên đang được các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời gian yêu cầu. Tuy nhiên, một số ngành cần lưu ý: Thông báo kết luận số 465/TB-UBND ngày 13/7/2018 tại buổi làm việc để giải quyết một số vướng mắc về việc nộp tiền thuê đất và giao đất tại dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh về việc Công ty TNHH VSIP Nghệ An đề xuất chậm nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa tại dự án, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/7/2018. Tuy nhiên, đến nay Sở Tài chính vẫn chưa có báo cáo cụ thể. 

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư, theo báo cáo của Bộ phận Một cửa liên thông tỉnh, trong tháng 8, đã giải quyết và trả kết quả cho nhà đầu tư 121 hồ sơ, trong đó, có 106 hồ sơ trước và đúng hẹn (chiếm tỷ lệ 87,6%). Các hoạt động tuyên truyền tiếp tục được Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền thanh Truyền hình cấp huyện thực hiện tốt. Về các Báo cáo, Đề án trình tại phiên họp tháng 7/2018, các sở, ban, ngành đã tiếp thu ý kiến kết luận, hoàn chỉnh văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh theo quy định.

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, QP-AN, dự toán ngân sách nhà nước tháng 8/2018, nhiệm vụ và giải pháp tháng 9/2018 do Sở Kế hoạch đầu tư báo cáo đã nhấn mạnh: Trong tháng 8 năm 2018, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung trồng, chăm sóc các loại cây trồng vụ hè thu - mùa, khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3, phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng. Đến nay cơ bản đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa. Diện tích trồng mới rừng tập trung tháng 8 ước đạt 2.283 ha, tăng 4,25% cùng kỳ, Tổng sản lượng thủy sản tháng 8 ước đạt 18.320 tấn, tăng 12,94% cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Nghệ An tháng 8 năm 2018 ước tăng 16,33% so cùng kỳ năm 2017. Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ như: sữa tươi, sữa chua, đường kính, xi măng, tôn lợp... Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước đạt 4.8525,23 tỷ đồng, tăng 13,24% cùng kỳ; Tổng lượng khách lưu trú tháng 8 ước đạt 527.164 lượt, tăng 12,59% cùng kỳ. Đặc biệt, trong tháng 8 trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 74 dự án/7.298,23 tỷ đồng; điều chỉnh 5 lượt dự án/612,17 tỷ đồng, đã thu hồi được 139 dự án, riêng 8 tháng năm 2018 thu hồi được 06 dự án. Thực hiện thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt 8.497,89 tỷ đồng, đạt 67% dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách 8 tháng đầu năm ước thực hiện 15.209,1 tỷ đồng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị các ngành, các sở thảo luận vào 8 kết quả nổi bật trong tháng 8, cần làm rõ đánh giá thêm 3 tồn tại.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị các ngành, các sở thảo luận vào 8 kết quả nổi bật trong tháng 8, làm rõ đánh giá thêm 3 tồn tại.

Mặc dù thu ngân sách trên địa bàn tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng một số khoản thu đạt thấp như: Thu từ doanh nghiệp trung ương quản lý đạt 44,6%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,6%; Thu từ khu vực công thương nghiệp – dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 57%; Thu cổ tức, lợi tức đạt 21,8% so với dự toán. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến, Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện tốt.

Sau khi nghe các báo cáo, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các sở thảo luận vào 8 kết quả nổi bật trong tháng 8, cần làm rõ đánh giá thêm 3 tồn tại đã nêu trong báo cáo, bao gồm việc tập trung khắc phục bão lụt, đặc biệt là cơn bão số 4 đã gây thiệt hại nặng nề tại các huyện miền núi Tây Nghệ An; Thu ngân sách có tăng nhưng một số khoản thu đạt thấp; Một số công việc triển khai chậm, thủ tục đầu tư của một số dự án chưa hoàn thành, thu hồi các dự án, thực hiện một số kết luận tại thông báo của lãnh đạo UBND tỉnh còn chậm..

Phiên họp đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về các giải pháp khắc phục cơn bão số 4, đặc biệt là mổ xẻ nguyên nhân trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc thực hiện quy trình vận hành xả lũ.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và xả lũ của hồ chứa thủy điện, thị trấn Mường Xén - huyện Kỳ Sơn nước dâng cao đã làm ngập lụt cục bộ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và xả lũ của các hồ chứa thủy điện, thị trấn Mường Xén - huyện Kỳ Sơn đã bị ngập lụt

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Sở NN&PTNT cho biết: ngành NN cũng đã tập trung các giải pháp khắc phục để khôi phục sản xuất, cải tạo đồng ruộng, sửa chữa các điểm sạt lở. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm rút ra là phải chủ động, thông tin sớm để có sự kết nối điều hành chung, kịp thời xử lý tốt hơn trong quá trình thực hiện. Đến nay, đã có kinh phí hỗ trợ cho người mất tích và người chết, riêng tiền hỗ trợ thiệt hại về hoa màu thì đang chờ kinh phí của Trung ương.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu- Giám đốc Sở NN&PTNT: Ngành NN cũng đã tập trung các giải pháp khắc phục để khôi phục sản xuất, cải tạo đồng ruộng
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngành NN  đã tập trung các giải pháp khắc phục để khôi phục sản xuất, cải tạo đồng ruộng.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng: Sở NN&PTNT cần có một báo cáo cụ thể về cơn bão số 4. Sau cơn bão không chỉ tập trung vào công tác đền bù, hỗ trợ cho các địa phương mà cần có đánh giá về hạ tầng xã hội, hạ tầng cơ sở, phân tích, làm rõ nguyên nhân và cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Tình trạng lũ lụt vừa qua phải xem xét trách nhiệm của các nhà máy thủy điện. Đặc biệt, hàng năm, cần phải xem xét các quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện. Theo Sở xây dựng, việc xả lũ liên hồ chứa thời gian qua chưa hợp lí, đã gây ra ngập lụt nghiêm trọng ở vùng hạ du... Vì vậy, thời gian tới, đề nghị tỉnh cần rà soát lại quy trình vận hành của từng dự án một và liên hồ chứa..

Nhiều đại biểu dự họp cho rằng: Cần phải xem xét các quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện. Việc xả lũ liên hồ chứa thời gian qua chưa hợp lí đã gây ra ngập lụt nghiêm trọng ở vùng hạ du (trong ảnh: tuyến QL7 bị chia cắt vì ngập lụt)
Nhiều đại biểu dự họp cho rằng: Cần phải xem xét các quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện. Việc xả lũ liên hồ chứa thời gian qua chưa hợp lí đã gây ra ngập lụt nghiêm trọng ở vùng hạ du (trong ảnh: tuyến QL7 bị chia cắt vì ngập lụt)

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Công thương cũng đồng tình cần có một báo cáo cụ thể về tình hình thiệt hại và khắc phục cơn bão số 4.  Tuy nhiên, cần đánh giá rõ vai trò của các dự án thủy điện trong việc xả lũ, cắt lũ. Riêng nhà máy thủy điện bản Vẽ, trong cơn bão số 4, đã tham gia cắt lũ đến từ 70 - 75%, bởi trong mưa lũ, với lượng nước khoảng 6000m3/s, nếu không cắt lũ kịp thời thì vùng hạ du Thanh Chương, Nam Đàn còn nặng nề hơn. Ngoài việc kiểm soát vận hành xả lũ thì cần thiết phải có sự gia cố các cầu cống, đường thấp để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông.

Ông Đoàn Hồng Vũ- Giám đốc Sở LĐ-TBXH đề nghị cần có sự phối hợp tốt hơn giữa thủy điện và địa phương, trong công tác thông tin trao đổi.
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TBXH đề nghị: Cần có sự phối hợp tốt hơn trong trao đổi thông tin giữa thủy điện và địa phương

Đại diện Sở LĐTBXH đánh giá cao công tác chỉ đạo lãnh đạo kịp thời, các địa phương miền núi đã thực hiện tốt phương án PCBL 4 tại chỗ, ứng cứu kịp thời cho người dân đảm bảo an toàn. Sau bão, đời sống nhân dân rất khó khăn bởi hạ tầng bị ảnh hưởng lớn, nhà dân bị ngập, tài sản bị hư hại rất nhiều, nhất là các trường học, hoa màu bị thiệt hại lớn..., và hệ lụy là nghèo đói và tái nghèo... Vì vậy, các huyện cần có phương án để ổn định cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, cần có phương án hỗ trợ phương tiện PCBL cho Ban chỉ huy PCLB các huyện. Tuy nhiên, cần nghiên cứu lại thoát nước và cắt lũ của các hồ chứa.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH đề nghị  Sở NN&PTNT đánh giá lại về mốc ngập lụt, các lòng hồ bị bồi lấp... để có kịch bản xả lũ mới và mốc xả lũ mới. Về cơ chế hỗ trợ cho dân như nhà trôi, ngập, người chết... các huyện đã chủ động trích ngân sách hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, về hỗ trợ cơ chế chính  sách của TƯ và tỉnh còn chậm, tỉnh cần nghiên cứu để có cơ chế ứng trước để kịp thời hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Nội vụ cũng cho rằng, việc xây dựng các nhà máy thủy điện đã làm thay đổi các dòng chảy, dẫn đến các hệ lụy như thời gian qua. Vì vậy, từ kết quả thu hút đầu tư về thủy điện, phải tính toán hệ lụy của các nhà máy thủy điện, để từ đó đưa ra trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trước những hệ lụy đó.

Ông Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị: Phải tính toán hệ lụy của các nhà máy thủy điện, để từ đó đưa ra trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trước những hệ lụy đó.
Ông Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị: Phải tính toán hệ lụy của các nhà máy thủy điện, để từ đó đưa ra trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trước những hệ lụy đó.

Liên quan đến cơn bão số 4, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cho rằng: Nguyên nhân lũ lụt là do các nhà máy thủy điện và do công tác xả lũ. Do vậy, cần hạn chế việc phát triển các thủy điện nhỏ tại các huyện miền núi... Ngoài thiệt hại của người dân, thiệt hại lớn nhất là ngành giao thông. Đề nghị tỉnh phải sớm có một chuyên đề giúp người dân sớm khắc phục thiệt hại do lũ lụt để ổn định cuộc sống, phải tập trung nguồn lực để các huyện miền núi khôi phục KT-XH.

Ông Nguyễn Hữu Cầu - UVBTV tỉnh ủy, Giám đốc CA tỉnh cho rằng ngoài thiệt hại của người dân, thiệt hại lớn nhất là ngành giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Cầu - UVBTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Ngoài thiệt hại của người dân, thiệt hại lớn nhất là ngành giao thông.

Đồng tình với các ý kiến trên, đại diện lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh khẳng định: Tình trạng lũ lụt là có liên quan đến các công trình thủy điện. Do thực hiện chưa đúng quy trình vận hành xả lũ, chưa làm quyết liệt trong công tác phối hợp nên đã dẫn đến thiệt hại như vừa qua. Lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh đề xuất, mỗi năm, tỉnh dành khoảng 500 triệu làm 500 suất quà gồm các vật dụng cần thiết giao cho các địa phương, đến lúc cần sẽ hỗ trợ cho bà con vùng lũ để kịp thời ổn định cuộc sống.

Đại diện Sở KHCN cho biết:  hiện đã có phần mềm để tính toán để đưa ra lộ trình xả lũ như thế nào. Vì vậy, đối với các nhà máy thủy điện và hồ đập lớn, tỉnh cần có văn bản để bắt buộc các đơn vị triển khai việc thực hiện lập các trạm cảnh báo, đo mực nước.

Xung quanh thiệt hại do cơn bão số 4, quan điểm về nguyên nhân về lũ lụt còn khác nhau.  Đại tá Trần Văn Hùng - UVBTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh có ý kiến, việc ngập lụt ở các huyện miền núi không chỉ do thủy điện mà còn do lũ bên Lào đổ về quá nhanh. Vì vậy, công tác dự tính, dự báo cần thực hiện sớm, đồng thời thực hiện tốt quy trình vận hành xả lũ. Sau lũ lụt cần quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội, cải tạo môi trường.

Đồng chí Lê Minh Thông- UVBTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Lê Minh Thông - UVBTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại cuộc họp, các ý kiến còn đề cập đến công tác xúc tiến đầu tư, việc thực hiện quy trình thủ tục còn gặp nhiều tồn đọng vướng mắc, rà soát lại việc thực hiện trường chuẩn quốc gia, quan tâm triển khai các Dự án tu bổ tôn tạo mộ của cụ Hoàng Tùng Mậu, nhà thờ Bác Hồ, khảo sát vị trí đặt tượng Lê nin tại đại lộ Lênin, Tiến độ công tác CCHC chuyển động còn chậm. Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế một cửa chậm chuyển biến. Trong đó, UBND TP Vinh chưa đưa tất cả các thủ tục hành chính vào thực hiện theo cơ chế một cửa. Việc chỉ đạo niêm yết công khai TTHC tại bộ phận một cửa đơn vị cấp xã tại một số huyện chưa đạt yêu cầu như: Nam Đàn, Đô Lương, Con Cuông, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn... Thành phố Vinh đến nay mới có 18/25 phường, xã công khai 100% TTHC tại bộ phận một cửa. Kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số đơn vị chưa nghiêm, chỉ đạo của người đứng đầu chưa quyết liệt, công tác cải cách hành chính nhìn chung chuyển biến chậm, qua kiểm tra đột xuất của các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại các đơn vị điểm cho thấy việc tổ chức và giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa ở một số đơn vị chưa tốt.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu dự họp, phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị: các Sở ngành cần lưu ý về những nhiệm vụ giải pháp từ nay đến hết năm 2018. Cụ thể: Cần tập trung khắc phục hậu quả bão lụt và tích cực phòng chống bão lụt sắp tới; Cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháo trọng tâm những tháng cuối năm nhằm hoàn thành KH của năm 2018; Tăng cường các giải pháp chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, phát triển ngành dịch vụ; Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trong xây dựng cơ bản, nhất là một số tuyến đường, dự án có số vốn lớn, chủ động rà soát điều chỉnh các dự án không đảm bảo tiến độ; Tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2019; Tăng cường công tác đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Tăng cường công tác thu chi ngân sách nhà nước; Chăm lo thực hiện tốt các lĩnh vực VHXH, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, chủ động giám sát các loại dịch bệnh sau mưa lũ, chế độ cho người có công, đảm bảo an sinh XH Quản lý tốt tài nguyên môi trường; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh CCHC, hoàn thành tốt Đề án sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; Đảm bảo QPAN, giữ vững trật tự ATXH; Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường giao UBND tỉnh thành lập tổ kiểm tra lịch trình, quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện trong thời gian vừa qua, nhất là thủy điện bản Vẽ cũng như các hồ chứa trên tuyến sông Cả.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường: Tỉnh sẽ thành lập tổ kiểm tra lịch trình, quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện trong thời gian vừa qua, nhất là thủy điện bản Vẽ cũng như các hồ chứa trên tuyến sông Cả.

Về các ý kiến, đề xuất liên quan đến lũ lụt, UBND tỉnh thống nhất giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng thành lập Tổ kiểm tra lịch trình, quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện trong thời gian vừa qua, nhất là thủy điện bản Vẽ cũng như các hồ chứa trên tuyến sông Cả. Rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, xử lý các tình huống cho các đợt thiên tai sắp tới và thông tin rộng rãi đến mọi người dân; kiểm tra, xử lý thông tin, kịp thời chỉ đạo hỗ trợ cho các huyện miền núi bị ảnh hưởng do thiên tai vừa qua; Chỉ đạo thành lập Tổ kiểm tra những thiệt hại có thể cần xử lý và hỗ trợ đối với các huyện miền Tây Nghệ An nhất là Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Con Cuông và Nghĩa Đàn... trên các lĩnh vực GT, NN, đời sống... để có kế hoạch thực hiện, giao Sở Tài Chính xuất cấp nguồn ngân sách dự phòng nhằm hỗ trợ cho người dân sớm nhất, kịp thời nhất trước khi có hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời, giao Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện các Thông báo kết luận của UBND tỉnh và có báo cáo cụ thể.

Cũng trong sáng nay, phiên họp đã thông qua Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-TQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Báo cáo kết quả thực hiện Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

Hiến Chương