Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cuộc sống người dân TP Vinh bị đảo lộn khi bị cắt nước sinh hoạt

18:56, 04/09/2019
Cuộc sống đảo lộn vì bị cắt nước sinh hoạt, tình trạng này gần đây xảy ra càng thường xuyên hơn với người dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận. Mới đấy nhất, từ tối mùng 1 đến mùng 3 tháng 9, đúng vào dịp nghỉ lễ, nhiều khu dân cư ở TP Vinh không có nước để dùng khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu nước sông Lam có thực sự đục đến mức không thể sản xuất được nước sạch hay không?

Sau 2 ngày không có nước máy, cuộc sống gia đình bà Phạm Thị Thúy ở phường Hưng Bình, TP Vinh hoàn toàn bị xáo trộn. Chậu quần áo bẩn hai ngày chưa giặt, nước để ăn uống chỉ còn một chút dự trữ trên bể. Chỉ nghĩ đến tình trạng này kéo dài thêm vài ngày hay có thể sẽ xảy ra thường xuyên, bà Thúy thật sự hoang mang, bức xúc: “Chẳng thà không có tiền thì không được dùng. Đây có tiền mà không được dùng nước, không có nước để dùng. Cái đó là cái bức xúc nhất của dân. Không có nước, tại sao lại thế?”.

Không có nước sạch sử dụng trong nhiều ngày liền khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân TP gặp khó khăn.
Không có nước sạch sử dụng trong nhiều ngày liền khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân TP gặp khó khăn.

Đến chiều ngày 3/9, gia đình ông Đặng Văn Duyên cùng một số gia đình xung quanh Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Ba Lan cũ, thuộc khối Xuân Bắc, phường Hưng Dũng đã phải dùng nước giếng khoan để ăn uống, sinh hoạt. Dù biết rất rõ nguồn nước này từ lâu đã bị ô nhiễm nặng nhưng các gia đình cũng không biết tìm đâu ra nước để thay thế.

Ông Đặng Văn Duyên – Người dân khối Xuân Bắc, phường Hưng Dũng, TP Vinh chia sẻ: Biết là độc hại nhưng gia đình vẫn phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt, để ăn uống, vì không có nước máy sử dụng.

Mất nước sạch, sinh hoạt của các hộ dân đảo lộn, nhưng điều đáng nói là ở các bệnh viện không có nước để sử dụng. Bệnh viện Nhi hiện có hơn 2.000 bệnh nhân, người nhà lưu trú. Hơn 2 ngày bị cắt nước, công tác điều trị, môi trường chữa bệnh có nguy cơ nhiễm khuẩn nghiêm trọng.

Một số bệnh viện trên địa bàn không có nước để sử dụng gây khó khăn trong công tác chữa bệnh.

Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng khoa HSTC – Chống độc, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An chia sẻ: Muốn làm một thủ thuật, trước tiên là phải rửa tay. Nhưng mất nước không có một giọt như thế này chúng tôi không thể rửa tay để thực hiện thủ thuật. Bên cạnh đók, nước phục vụ vệ sinh cho bệnh nhân và người nhà không có, khiến các khu vệ sinh bốc mùi.

Gần 1 tháng nay, người dân TP Vinh đã phải 2 lần chịu cảnh mất nước sạch. Phía Công ty CP cấp nước Nghệ An lý giải: do mưa lũ, nguồn nước thô cấp từ sông Lam quá đục, ảnh hưởng đến công suất, dẫn đến thiếu hụt nước sạch cấp cho khách hàng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề nay, ông Hoàng Văn Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Nghệ An cho biết: Những năm trước, khi sông Lam có độ đục cao thì giữa 2 công ty có thỏa thuận với nhau, bên kia cấp nước độ đục cao không xử lý được thì nhà máy nước sẽ lấy nước từ hồ sơ lắng từ sông Đào để xử lý theo tiêu chuẩn cho phép. Hiện tại độ đục ở hồ sơ lắng cầu Bạch chỉ từ 13-14 NTU.

Ông Hoàng Văn Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Nghệ An.

Từ tối 3/9, TP Vinh đã có nước máy trở lại. Công ty CP cấp nước Nghệ An đã được chấp thuận phương án tạm thời bơm nước từ hồ sơ lắng lấy từ sông Đào để sản xuất nước sạch sau cuộc họp của tổ công tác theo Quyết định số 3132, ngày 13/8/2019 của UBND tỉnh về việc xử lý sự cố nguồn nước thô cấp cho các nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch. Doanh nghiệp cấp nước sông Lam cũng đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư để sau đợt mưa lũ này sẽ lắp hệ thống phao chắn bùn phù sa, nhằm có nguồn nước thô cung cấp với chất lượng ổn định hơn.

Doanh nghiệp cấp nước sông Lam chuẩn bị sẵn sàng vật tư lắp hệ thống phao chắn bùn phù sa sau mưa bão.

Nước là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, người dân chẳng thể nói được gì khi đơn vị cung cấp đưa ra những lý do khách quan hay kỹ thuật gì đó để ngừng cấp nước. Nhưng thiết nghĩ, từ lương tâm và trách nhiệm xã hội, thì việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm.

Giá nước sạch hiện nay được UBND tỉnh phê duyệt là 10.800 đồng/m3, đã bao gồm chi phí nước thô lấy từ sông Lam 1.950 đồng. Đây là cơ sở để Chủ tịch UBND tỉnh ngày 5/8 đã chỉ đạo, yêu cầu Công ty CP cấp nước Nghệ An phải lấy nước thô từ sông Lam để sản xuất nước sạch. Điều này cũng có nghĩa là Công ty CP cấp nước thô sông Lam phải đảm bảo nguồn nước cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch trong mọi điều kiện, trong mọi thời tiết. Qua câu chuyện bị cắt nước trong những ngày qua khiến cuộc sống nhân dân bị đảo lộn thì rõ ràng, trách nhiệm của các doanh nghiệp từ cấp nước thô đến sản xuất nước sạch phải có các giải pháp để đảm bảo không còn tái diễn tình trạng như những ngày vừa qua.

Xuân Hướng – Sỹ Đạt

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm