Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lịch sử hào hùng qua hồi ức người lính cựu binh

10:03, 22/12/2019
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cuộc hành quân sát cánh cùng đồng đội trong cả 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, những phút giây cận kề giữa sự sống và cái chết vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính năm xưa. Đối với họ, đó thực sự là những tháng năm không thể nào quên, là một thời để nhớ và tự hào.

Theo chân các cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh, chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Bùi Đức Tùng - nguyên Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An vào một chiều đông. Năm nay đã bước sang tuổi 92, thế nhưng trông ông vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Trong câu chuyện kể về những kỉ niệm Điện Biên Phủ một thời “chấn động địa cầu” với chúng tôi, dường như mọi cảm xúc đều ùa về vẹn nguyên, sinh động trong ông.  Những ngày mới lên Điện Biên Phủ, với chặng đường hành quân kéo dài hơn 1 tháng từ Phú Thọ lên Điện Biên Phủ, qua đèo, qua suối. Ngày nghỉ, đêm hành quân đầy khí thế. Lúc đó, đơn vị ông cùng với anh em Sư đoàn 312 thực hiện nhiệm kéo pháo. Trời mưa, đường dốc quanh co hiểm nguy, vì vậy anh em có cố gắng lắm cũng kéo pháo chưa đầy một cây số. Vất vả, gian khổ là vậy nhưng ai cũng phấn khởi và mong có lệnh chiến đấu.

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng trò chuyện cùng các cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh.

Ông kể lại: "Ai cũng muốn đánh nhanh, thắng nhanh, giai đoạn đầu ai cũng phấn khởi, kể cả  chỉ huy các Sư đoàn, Trung đoàn không chỉ người lính đâu, đều phấn khởi hào hứng muốn đánh ngay, nhưng đến khi được lệnh thay đổi phương châm” Đánh chắc, tiến chắc”, kéo pháo ra, nói cho đúng là trong tâm tư hơi buồn, người lính nào cũng buồn nhưng vì mệnh lệnh của Quân đội, kéo pháo ra và lui về chuẩn bị trận địa chúng tôi vẫn tiếp tục làm thôi, nhưng trong lòng phân vân, vì đã cho kéo pháo vào rồi sao không cho đánh luôn, lại bắt kéo ra ngoài. Nhưng anh em tuyệt đối chấp hành. Chính đó là bản chất của Quân đội ta, khi đánh xung phong, chưa đánh thì kéo pháo ra"

Dịp Tết Giáp Ngọ 1954, Nghệ An đã huy động 32.000 dân công, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đồng loạt lên đường ra tiền tuyến. (Ảnh Tư liệu)

Ông nhớ lại: Tháng 6/12/1953, sau khi Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh - Nghệ - Tĩnh được giao nhiệm vụ chi viện tối đa nhân, vật lực cho trận quyết chiến chiến lược này. Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Nghệ An sôi nổi thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỉnh thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, để huy động mọi tiềm lực phục vụ chiến dịch. Chỉ tính riêng dịp Tết Giáp Ngọ 1954, Nghệ An đã huy động 32.000 dân công, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đồng loạt lên đường ra tiền tuyến. 

“Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng; chí không mòn”, ngày 7/5/1954, Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm De Castries, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

17h30 ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp, tướng De Castries. Sau thất bại của quân đội Pháp, hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương từ ngày 8/5/1954. (Ảnh Tư liệu)
17h30 ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp, tướng De Castries. Sau thất bại của quân đội Pháp, hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương từ ngày 8/5/1954. (Ảnh Tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu mốc bằng vàng. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta... Thắng lợi đó là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó có một phần không nhỏ mang ý nghĩa quyết định đó là sự chi viện kịp thời, to lớn cả vật chất lẫn tinh thần của hậu phương, trong đó có Nghệ An..

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng kể về những lần tham gia các chiến dịch.

Suốt buổi nói chuyện, nụ cười luôn nở trên gương mặt người cựu binh già. Có lẽ niềm hạnh phúc chiến thắng vẫn đang rạo rực như ngày nào ông cùng đồng đội đánh trận. Ông kể: đất nước chưa thống nhất thì chưa rời mặt trận, do vậy sau khi giải phóng Điện Biên, chàng trai trẻ Bùi Đức Tùng lại lên đường vào tham gia chiến trường miền Nam. Gia nhập binh đoàn chủ lực Quân khu 5, trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn như Đường 9 – Nam Lào, Mậu Thân 1968, Đông Dương, Sa Huỳnh, Ba Gia, Vạn Tường… và đặc biệt là tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp giải phóng Đà Nẵng, Quảng Nam. Đất nước thống nhất, ông Bùi Đức Tùng tiếp tục tham gia công tác tại Quân khu 5, Quân khu 4 rồi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Năm 1983, ông Bùi Đức Tùng được phong hàm Thiếu tướng. Ông cũng là trường hợp duy nhất đảm nhiệm 2 chức vụ Chính ủy và Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ Tĩnh từ năm 1986-1992. 65 năm đã trôi qua kể từ khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng  giờ đây mỗi lần hồi tưởng lại, Thiếu tướng Tùng vẫn cảm thấy tự hào. Những kỷ vật, bằng khen, hay bức hình chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông lưu giữ cẩn thận và treo trang trọng trên tường nhà.

Bức ảnh "báu vật" luôn được Thiếu tướng Bùi Đức Tùng trân trọng treo ngay giữa phòng khách.

Rời tay súng trở về với cuộc sống đời thường, người lính cựu binh ấy vẫn vẹn nguyên niềm tin, luôn tự nhắc nhở mình "phải sống sao cho xứng với sự hy sinh của đồng đội"…Cho đến bây giờ, ông vẫn luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay soi vào, học tập và noi theo.

Hiến Chương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm