Hải cảng Marseille - Nơi in dấu Nguyễn Tất Thành trong "Hành trình ra đi tìm đường cứu nước"
Marseille cách Paris gần 800km. Nằm bên bờ Địa Trung Hải, Marseille được xem là thành phố hải cảng lâu đời, đồng thời là trung tâm công nghiệp, thương mại lớn trên thế giới với một vị thế tuyệt vời.
Được chọn là “Thủ đô văn hóa của châu Âu” năm 2013, Marseille đã và đang làm say đắm hàng triệu trái tim du khách với bờ biển xanh tuyệt đẹp trong nắng vàng, vẻ đẹp cổ kính với bề dày lịch sử kéo dài 26 thế kỷ và gắn liền với nhiều truyền thuyết.
Marseille được biết đến là thành phố cảng lớn nhất nước Pháp. Vì vậy, cảng Vieux Port – nơi neo đậu của hàng ngàn tàu thuyền là điểm nhấn quan trọng của thành phố.
Tại cảng Marseille này, cách đây 100 năm, vào tháng 7/1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lần đầu tiên đặt chân đến Pháp khi đi tìm đường cứu nước.
Trước đó, vào tháng 5-1911, trong các tàu nước ngoài cập bến cảng Sài Gòn có chiếc tàu lớn thuộc hãng Sácgiơ Rêuyni mang tên Amiran Latusơ Tơrêvin. Ngày 3/6/1911, một thủy thủ của tàu dẫn Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba, lên tàu gặp Thuyền trưởng và được nhận làm phụ bếp trên tàu.
Ngày 5/6/1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Sài gòn đi Marseille. Một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Sau một tháng lênh đênh và ghé qua một số cảng trên đường đi, nhật ký hành trình của con tàu ghi rõ ngày 6/7/1911, tàu đến Marseille, một thành phố cảng lớn nhất và cũng là một trung tâm công nghiệp lớn của nước Pháp lúc bấy giờ.
Và đặc biệt nhất, Merseille là một trong những địa điểm đầu tiên có cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Pháp, bởi trước đây, phương tiện đi lại từ Việt Nam tới Pháp chỉ bằng tàu thủy. Ước tính, cộng đồng người Việt Nam tại Marseille có khoảng 4.000 người đang sinh sống, làm việc và học tập, nếu tính cả vùng Provence-Alpes-Côtes d’Azure (PACA) thì có khoảng 20 nghìn người. Số người Việt ở Marseille đông thứ hai sau Paris do đến tận giữa thế kỷ 20, Marseille vẫn là bến cuối cùng của các tàu biển từ Đông Dương sang Pháp
Ngày nay, Vieux Port không còn là cảng công nghiệp nữa mà đã trở thành bến thuyền luôn tấp nập du khách ...
Marseille không chỉ hấp dẫn ở kiến trúc cảnh quan cổ điển mà còn cuốn hút bởi cảng Vieux Port xinh đẹp. Với hàng triệu lượt khách tới thăm quan mỗi năm, hải cảng này nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế quan trọng cũng là địa chỉ du lịch phát triển của thành phố.
Có mặt tại nơi đây vào buổi sáng, chúng tôi bắt gặp một khung cảnh vô cùng tấp nập, hàng trăm tàu đánh cá cập bến. Các phiên chợ cá cũng diễn ra hàng ngày từ sáng cho tới khoảng 1 giờ chiều, tạo nên nét riêng có của Vieux Port.
Ngay sát những mũi tàu ngư dân bày bán thùng cá còn tươi rói. Dường như cả người bán lẫn người mua đều thích tán gẫu, trò chuyện hơn mua bán. Đây cũng là một phần tính cách của người Marseillaise, luôn vui vẻ, phóng khoáng và cởi mở như chính gió trời và biển cả nơi đây.
Marseille có nền ẩm thực phong phú nhưng nổi bật nhất vẫn là món súp cá truyền thống có tên gọi “Bouillabaisse”. Ban đầu, Bouillabaisse là thứ súp hải sản của ngư dân nghèo nhưng qua thời gian nó đã là món ăn mang biểu tượng của Marseille và có mặt trong hầu hết các nhà hàng sang trọng ở Pháp.
Thành phố cảng Marseille còn được biết đến với vẻ đẹp cổ kính khi sở hữu những công trình, di tích lịch sử in đậm dấu ấn văn hóa Pháp cổ xưa. Trong đó, Nhà thờ Notre Dame de la Garde, một trong những biểu tượng của thành phố này. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1218 trên một ngọn đồi cao gần 162m và được hoàn thiện như ngày nay vào năm 1864.
Từ đỉnh của Nhà thờ, du khách có thể phóng tầm mắt toàn cảnh thành phố 2.600 năm tuổi này, với những công trình kiến trúc, những tòa nhà mái cổ san sát nhau. Từ nhiều thế kỷ qua, thánh đường này là chốn hành hương của người mộ đạo các vùng lận cận.
Ngoài những đại lộ chính trồng cọ cao vút với các đài phun nước lộng lẫy, các tòa nhà cổ kính sang trọng, Marseille còn có những dãy phố rêu phong cũ kỹ. Còn đó những ban công đen xỉn, những con phố hẹp lát đá ngoằn ngoèo giữa hai dãy nhà sâu hun hút, những ô cửa bám rêu, đôi chỗ tróc sơn. Cũ kỹ nhưng không tàn tạ, phố nghèo là một phần không thể thiếu của Marseille, góp phần tạo nên một bức tranh thành phố đa sắc và đa chiều.
Marseille còn nổi tiếng với loại xà phòng được sản xuất 100% bằng dầu olive và dầu cọ. Xà phòng được làm một cách thủ công bằng một kỹ thuật cha truyền con nối từ thế kỷ 17 đến nay. Những loại bánh xà phòng, với nhiều màu sắc, kích thước rất đa dạng được bán trong hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ tại đây.
Hiện tại, TP Marseille đang có quan hệ hợp tác với một số địa phương của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, cụ thể, giữa bệnh viện phía bắc Marseille (Hopital Nord) và một số bệnh viện tại Hà Nội; trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giữa đại học Aix-Marseille với Đại học quốc gia Hà Nội. Cả hai nước dự kiến sẽ nghiên cứu tiềm năng hợp tác về quản lý cảng biển, trong bối cảnh cả Pháp và Việt Nam đều có thế mạnh riêng trong lĩnh vực này.