Ngày 30/6/2019, tắt sóng truyền hình analog ở 12 tỉnh miền Trung
Theo tin từ Cục Tần số Vô tuyến điện, kế hoạch tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog TV – ATV), vào 24h ngày 30/6/2019, 10 tỉnh Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận) sẽ ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự từ trạm phát sóng chính.
Hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam sẽ ngừng phát sóng kênh truyền hình tương tự mặt đất kênh VTV2 từ trạm phát sóng chính đặt tại thành phố Quảng Ngãi từ 24 giờ ngày 30/6/2019. Các kênh truyền hình tương tự VTV1, VTV3, PTQ1 từ trạm phát sóng chính sẽ ngừng phát sóng từ 24 giờ ngày 15/7/2019.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điên, việc số hóa truyền hình mặt đất đối với 12 tỉnh Nhóm III lần này cũng được tiến hành tương tự như tại một số tỉnh có địa hình bán sơn địa thuộc giai đoạn II. Theo đó, VTV và các đơn vị, doanh nghiệp phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các địa bàn có sóng ATV từ các trạm phát chính. Trước thời điểm tắt sóng analog công tác thông tin tuyên truyền về số hóa truyền hình được các đơn vị Trung ương và các địa phương tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện truyền thông để các hộ dân đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất tại các địa bàn liên quan nắm được thông tin và chủ động chuyển đổi.
Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang thu xem ATV, chưa sử dụng các phương thức thu xem truyền hình khác, sẽ được hỗ trợ đầu thu DVB-T2 để tiếp tục thu xem các kênh truyền hình trên truyền hình số mặt đất. VTV và các Đài PT-TH địa phương ngừng phát sóng ATV khi công tác hỗ trợ đầu thu cơ bản hoàn thành.
Về tình hình phủ sóng truyền hình số mặt đất: VTV đã phủ sóng DVB-T2 tại 12 tỉnh bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận. Các Đài PT-TH địa phương đã truyền tải kênh truyền hình địa phương trên sóng truyền hình số mặt đất của VTV, VTC, SDTV.
Theo đại diện VTV thì tại các tỉnh đã được phủ sóng DVB-T2, diện tích vùng phủ sóng DVB-T2 đã lớn hơn hoặc bằng vùng phủ sóng ATV trước đây. Tại đây, các hộ thu xem được 9 kênh của VTV, trong đó có 5 kênh truyền hình có độ phân giải cao (HDTV) và 4 kênh truyền hình có độ phân giải tiêu chuẩn (SDTV). Các kênh truyền hình địa phương thu được trên truyền hình số mặt đất cũng có chất lượng cao hơn so với ATV.
Để thu xem được truyền hình số mặt đất thì trong vùng phủ sóng DVB-T2, các hộ đang thu xem bằng các TV thế hệ cũ, chưa tích hợp chức năng thu xem truyền hình số mặt đất DVB-T2 cần trang bị thêm đầu thu truyền hình số DVB-T2hoặc mua sắm máy thu hình mới đã tích hợp chức năng thu DVB-T2 để thu được nhiều kênh truyền hình với chất lượng cao.
Theo ước tính, tại khu vực Trung Bộ có khoảng hơn 10% số hộ đang thu xem ATV cần phải chuyển sang thu xem truyền hình số mặt đất hoặc các phương thức truyền hình khác. Trong đó, các hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện sẽ được Nhà nước hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất.
Theo Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, tính đến ngày 24/6/2019 đã có khoảng 46% số đầu thu trong Dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đã được chuyển về địa phương, trong đó 20% đã được nhà thầu triển khai lắp đặt.
Sau khi tắt sóng truyền hình analog ở 12 tỉnh đợt này, tính đến ngày 15/7/2019, cả nước sẽ có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất cho toàn bộ địa bàn, hoặc địa bàn phủ sóng của trạm phát sóng chính. Cả nước sẽ có khoảng gần 75 % số hộ dân đã thuộc vùng số hóa truyền hình mặt đất.
Theo ICTnews
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin