Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhộn nhịp làng nghề bánh đa Thanh Chương vào vụ Tết

12:57, 28/01/2018

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết cổ truyền. Thời điểm này, các làng nghề trên địa bàn huyện Thanh Chương đang hối hả làm việc để cung ứng cho thị trường bằng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, trong đó có làng nghề bánh đa Dinh Chu ở xã Thanh Tường. 

Trong những ngày này, tranh thủ thời tiết có nắng, ngoài nguồn nhân lực là 5 lao động chính có tay nghề, bà Nguyễn Thị Bình - một nghệ nhân ở Làng nghề bánh đa Dinh Chu, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương còn thuê mượn thêm nhiều lao động để thực hiện các công đoạn làm bánh, kịp thời phục vụ thị trường Tết.

: Chị Nguyễn Thị Loan ( đeo khẩu trang) một nghệ nhân làng nghề đang nắn nót để tráng những chiếc bánh đa tròn đều.
Chị Nguyễn Thị Loan - một nghệ nhân làng nghề đang nắn nót tráng những chiếc bánh đa tròn đều.

Bà Bình chia sẻ: "Làm bánh đa phải chịu khó thức khuya, dậy sớm, ngồi cạnh lò lửa, và chỉ thực hiện khi trời nắng, nắng càng to càng tốt nên rất vất vả. Bình thường bình quân mỗi ngày mỗi lò bánh sản xuất được khoảng từ 2.500 – 3.000 chiếc, thời điểm cận Tết số lượng khoảng 5.000 chiếc vì nhu cầu tăng cao. Trừ chi phí, mỗi chiếc bánh đa thu về khoảng 500 đồng, tuy lãi ít nhưng cũng góp phần nâng cao thu nhập. Năm nay mưa nhiều nên mấy ngày nay gia đình phải làm cật lực để bù lại".

Bánh đa Làng Dinh Chu đã có thương hiệu, được công nhận làng nghề từ năm 2006. Cùng với bà Bình, hiện nay cả làng có 51 hộ với 170 lao động chuyên làm nghề tráng bánh đa. Trung bình mỗi ngày cả làng làm được khoảng 40.000 chiếc, thời điểm cận Tết khoảng 200.000 chiếc nhưng vẫn không đủ để cung ứng.

Bánh được chuyển đi phơi sau khi tráng.
Bánh được chuyển đi phơi sau khi tráng.

Bánh đa được làm từ gạo, sau khi ngâm vài giờ, gạo được đưa vào máy xay nhỏ. Sau khi xay gạo trộn thêm vừng đen, gia vị tiêu, tỏi, bột nêm, mì chính... và cho lên nồi hơi để tráng. Sau khi tráng xong phơi nắng, trong quá trình hong phơi phải trở bánh 1-2 lần trong một buổi tùy vào điều kiện thời tiết. Bánh đa làng Dinh hiện có mặt trên thị trường các tỉnh Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Thái Nguyên… thậm chí ở nước ngoài như Đức, Nga… Nhờ tinh nghề mà đa số các hộ trong làng đều có đời sống khá giả. Nếu như thu nhập bình quân đầu người chung của xã Thanh Tường trong năm 2017 là 31, 5 triệu đồng thì với các hộ làm nghề đạt trên 37 triệu đồng.

Niềm vui một mẻ bánh được hong nắng của người dân làng nghề.
Niềm vui của người dân làng nghề trước một mẻ bánh được hong đủ nắng.

Những ngày này người dân làng nghề gần như thức thâu đêm, làm việc cả ngày với các công đoạn ngâm, xay gạo, tráng bánh. Trên các ngả đường, nhất là dọc bờ đê Tả Lam, đoạn qua làng nghề bánh đa được phơi dày dặn. Bất cứ thời điểm nào cũng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật, phơi, trở và thu bánh. Những chiếc bánh đa có màu nâu đen nhờ chứa hạt vừng sau khi khô cong sẽ được đưa vào nhà cho dịu lại, đóng gói chờ thương lái hoặc chính người dân làng nghề đưa đến các chợ và đưa lên xe đến với mọi miền đất nước.

Những chiếc bánh đa được đóng gói cẩn thận...
Những chiếc bánh đa được đóng gói cẩn thận...
a
... Và chuyển bánh đi cho các đầu mối.

Ông Lưu Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương vui mừng chia sẻ: “Nghề làm bánh đa của Làng Dinh Chu đã tồn tại hàng trăm năm nay và ngày càng khởi sắc. Vào những ngày cận Tết, không khí ở làng nghề nhộn nhịp hơn. Những hoạt động này không chỉ đưa lại nguồn thu nhập cao cho người dân mà còn gợi nhớ cho con em về sự yên bình, thịnh vượng của quê hương. Chiếc bánh đa của làng nghề được tiêu thu khắp mọi miền cũng cơ hội để thu hút kêu gọi đâu tư. Nhờ làng nghề mà những năm gần đây đã có nhiều người con và doanh nghiệp về đầu tư hàng chục tỷ động để xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan môi trương, thay đổi công nghệ. Đây chính là một trong những yếu tố để địa phương vươn lên, trước mắt là đạt chuẩn quốc gia Nông thôn mới vào năm 2018”.

Đình Hà - Đài TTTH Thanh chương