Lời giải cho bài toán này là khó, nhất là trong bối cảnh dịch Covid đang diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay. Nhưng rõ ràng không thể mãi để cho người dân cứ sản xuất theo lối tự phát, thiếu kế hoạch tổng thể. Càng không thể phó thác việc tìm đầu ra cho hàng ngàn, chục ngàn tấn nông sản thô, mau hỏng cho các HTX nông nghiệp và chính quyền cơ sở như lâu nay.
500 tấn bắp cải ở huyện Diễn Châu được các tổ chức, đoàn thể chung tay “giải cứu”. |
Trong cơ chế thị trường, việc định hướng, quản lý trồng loại cây con gì, diện tích bao nhiêu…thiển nghĩ, trước hết và cần nhất vẫn phải căn cứ vào đầu ra ở đâu, dự báo (hoặc có hợp đồng) sản lượng bao tiêu. Cùng với đó là các khâu về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; xây dựng, phát triển thương hiệu, tiếp thị hàng hoá...
Đoàn Thanh niên huyện Diễn Châu giúp nông dân tiêu thụ bắp cải. |
Mùa vải năm 2020 tỉnh Bắc Giang có 28 ngàn ha, cho 160 ngàn tấn quả, tăng hơn 10 ngàn tấn so với năm 2019. Trước đó khá lâu, Bắc Giang đã “kích hoạt” 3 kịch bản: xúc tiến thương mại đưa 600 tấn quả sang thị trường Nhật Bản; chủ động ký kết tiêu thụ với các tập đoàn tiêu thu nông sản như BigC, Central Group, Market; vận chuyển, tiêu thụ trực tiếp tại nhiều địa phương trong nước. Do dịch Covid, việc xuất khẩu vải sang Nhật gặp khó khăn. Các ngành liên quan ở tỉnh này đã kịp thời sang Trung Quốc đón 250 thương nhân về, trực tiếp làm thủ tục nhập cảnh và tạo điều kiện cả việc cách ly, ăn ở cho thương nhân nước ngoài. Cứ như vậy, 160 ngàn tấn vải của Bắc Giang trong mùa vụ này đã được tiêu thụ nhanh, gọn.
Tuổi trẻ Đài PT-TH Nghệ An phối hợp cùng phường Lê Mao chung tay giúp bà con huyện Nghĩa Đàn tiêu thụ nông sản. |
Trở lại vấn đề về cơ chế chính sách, nên chăng thay vì việc đầu tư hỗ trợ dàn trải cho người sản xuất trong nhiều khâu, từ tập huấn, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, trang thiết bị, nhà xưởng, kho bãi; hỗ trợ về giống, chi phí sơ chế, bảo quản nông sản … theo NQ13/2018 HĐND tỉnh Nghệ An, Nhà nước nên chuyển trọng tâm vào chính sách, nguồn lực hỗ trợ cho khâu bao tiêu sản phẩm; là “bà đỡ” cho việc xúc tiến thương mại, thương mại điện tử tới thị trường trong nước và quốc tế. Trên thực tế, hiện nay ở các địa phương, rất nhiều hộ dân, nhiều HTX đã và đang có điều kiện ngày càng tốt hơn để đầu tư vào sản xuất, chế biến theo nhu cầu của thị trường. Vấn đề người sản xuất cần đặc biệt quan tâm đó là phải nghiêm ngặt đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, giữ được chữ tín theo yêu cầu của khách hàng, theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tình trạng người dân vì lợi nhuận trước mắt mà gieo trồng sản phẩm kém chất lượng, chạy theo sản lượng; đơn phương phá vỡ hợp đồng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp khi giá cả tăng cao… là bài học đắt giá đối với một nền sản xuất, kinh doanh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.
Nông sản được lực lượng ĐVTN tập kết để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. |
Thiên nhiên ưu đãi, nhất là từ lao động sáng tạo của nhiều thế hệ, Nghệ An đã tạo được nhiều sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn, thương hiệu tốt như Cam Vinh, dứa Quỳnh Lưu, Lạc Diễn Châu, rau Quỳnh Lương, quế Quỳ Châu, mía Tân Kỳ, sắn Anh Sơn, chanh Nam Đàn… Hàng trăm ngàn hộ dân, hàng trăm HTX, xí nghiệp sản xuất, chế biến các loại nông sản quý này sẽ không phải rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, cần kêu gọi cộng đồng “giải cứu”, khi các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân cùng nỗ lực, đồng hành làm tốt nhất vai trò của mình, vì mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin