Hành tăm cho nông dân Đô Lương thu nhập hàng tỷ đồng
Hành tăm vụ Xuân năm nay, bà con nông dân Đô Lương trồng với diện tích gần 100ha, tập trung nhiều ở xã: Trù Sơn, Đại Sơn, Nhân Sơn. Trong đó, nhiều địa phương 100% hộ dân trồng hành tăm, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng.
Để mở rộng diện tích, bà con nông dân đã thay đổi cách trồng truyền thống sang phương pháp mới. Toàn bộ diện tích thửa ruộng sau khi được làm đất, cày thành các luống, hành được gieo thành từng hàng thẳng. Cách làm này vừa đảm bảo ánh sáng cho cây hành tăm phát triển, vừa dễ chăm bón và thu hoạch. Nguyên liệu từ cây bổi và trấu được thu mua từ các địa phương trong huyện.
Năm nay, hành tăm được mùa lại được giá, mỗi sào hành cho thu nhập từ 4,5 tạ đến 6 tạ/sào, giá bán hiện khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg, so với năm 2018 tăng 10 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi sào cho thu nhập 18 đến 20 triệu đồng, mỗi ha thu nhập 360 - 400 triệu đồng.
Hành sau khi thu hoạch được tư thương thu mua đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Riêng tại thị trường tại chợ Trung tâm thương mại huyện Đô Lương giá hành tăm đang được bán giá 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thụy Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cho biết: Bà con hiện đã thu hoạch gần hết diện tích. Vụ hành tăm năm nay năng suất tốt và giá bán tăng so với vụ mùa năm 2018.
Hành tăm ở Đô Lương năm nay ngoài trồng ở những cánh đồng lớn, bà con nông dân còn tận dụng ở những thửa đất nhỏ trồng xen canh. Vừa thu hoạch hành tăm, chị Nguyễn Thị Hà - một hộ trồng hành ở xã Nhân Sơn cho biết: Những vọc đất nhỏ như thế này chịu khó trồng thì cũng cho thu nhập vài triệu đồng, nếu gom 4 đến 5 vọc lại cũng được khá tiền, đủ nuôi con đi học.
Ngoài những xã có truyền thống trồng hành như Nhân Sơn, Minh Sơn, Trù Sơn, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã mạnh dạn mở rộng diện tích.
Anh Đặng Văn Yên - Chủ tịch hội nông dân xã Đại Sơn cho biết: Năm nay, diện tích trồng hành tại địa phương đã mở rộng 10ha. Đến năm 2020, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hành, tạo thành cây chủ lực bên cạnh cây nghệ vàng.
Những năm qua, lợi ích kinh tế từ trồng cây hành tăm đã được chứng thực, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, góp phần tạo thu nhập ổn định cho nông dân địa phương.
Ngọc Phương