Chủ nhà hàng Việt bị đốt trong bạo động Mỹ: Cháy hết cả khóc gì nữa
Nhà hàng của ông Thanh Sơn (50 tuổi), nằm gần khu vực University Mall, bị đốt phá khi biểu tình biến tướng thành bạo loạn vào khuya cuối tuần qua ở thành phố Tampa, bang Florida. “Khoảng 12h30 khuya, một chủ tiệm vàng gần đó có camera quan sát báo với con trai tôi là nhà hàng của tôi bị cháy lan sang từ cửa tiệm kế bên”, ông Sơn kể lại với phóng viên.
Ngay khi đó, ông Sơn mở camera tại cửa tiệm để theo dõi thì chỉ “thấy khói mịt mù”.
Ông Sơn cho biết đã trông thấy những nhóm người nhân cuộc biểu tình lái xe đến đỗ chật kín bãi đậu xe của khu thương mại. Ông quyết định đóng cửa sớm hơn thường lệ. Thoạt đầu, ông Sơn cho rằng nhà hàng sẽ không bị cướp phá “do bên trong nhà hàng thì có đồ gì đâu mà lấy”. Tuy nhiên, điều ông không ngờ tới là “nhóm bạo loạn lấy đồ của cửa hàng Champ kế bên, sau đó châm lửa đốt, rồi đám cháy lan sang tới nhà hàng của mình”.
Cảnh sát canh giữ hiện trường vụ cháy trong đêm bạo loạn ở Tampa, Florida, đêm 31/5. Nhà hàng của ông Thanh Sơn ở bên phải. |
"Chưa bao giờ thấy thê thảm như vậy"
Khi lái xe đến hiện trường ngay trong đêm thì ông Sơn bị cảnh sát ngăn lại và không cho tiếp cận vì phải chờ lính cứu hoả dập tắt hoàn toàn đám cháy và làm rõ nguyên nhân hoả hoạn. Mãi đến sáng hôm sau, 1/6, vợ chồng ông mới được cho phép vào bên trong cơ sở đã cháy rụi.
“Vợ tôi vào là thấy khóc liền. Quá tội luôn. Quá thê thảm luôn. Mình chưa từng thấy hoàn cảnh nào như thế này. Mà vừa mở cửa nhìn vào bên trong là thấy ‘Trời đất ơi’”, ông Sơn nói.
Trong 19 năm ở Mỹ, ông Sơn chủ yếu gắn bó với việc ngành nhà hàng. Nhà hàng ở Florida được ông Sơn mua lại từ người quen mới được 4 năm sau khi ông và gia đình chuyển đến đây. Ông nói đây là sự cố nghiêm trọng đầu tiên xảy ra vì bạo loạn khiến việc kinh doanh có thể đình trệ một thời gian dài.
Ông Sơn cho biết vừa hoàn thành khai thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp vào hôm qua. Hôm 3/6, công ty bảo hiểm vừa cử người xuống đánh giá thiệt hại. Tuy nhiên, việc mở lại cửa hàng còn phụ thuộc vào thời gian chủ mặt bằng sửa chữa lại hiện trạng chung.
|
||
Khi tương lai tiếp tục việc kinh doanh vẫn còn mờ mịt, ông buộc phải cho nghỉ cả tám nhân viên. “Tôi nói mọi người đi xin việc làm mới đi, chứ phải chờ từ sáu tháng tới một năm lận, mà cũng không biết có duyên mở lại được hay không, nên để mấy anh đi tìm việc làm tạm thời”.
“Cũng buồn chứ. Mấy anh cũng trung thành với mình. Người Việt cả, mà năm nay cũng năm mươi mấy, sáu mươi tuổi trở lên không à. Làm trong này người già không à”, ông Sơn nói.
Một niềm an ủi ngoài dự kiến đối với ông Sơn là sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. Trên trang Facebook của nhà hàng, nhiều người Mỹ để lại thông điệp động viên tinh thần và mong việc kinh doanh sớm trở lại.
Brian Huynh, con trai người chủ đầu tiên của nhà hàng trước khi bán lại cho ông Sơn, sau khi hay tin về sự việc đã tiến hành chiến dịch gây quỹ trên mạng để kêu gọi hỗ trợ tài chính cho gia đình ông. “Nhà hàng là một phần gắn liền với sự trưởng thành của tôi. Tôi muốn chung tay giúp đỡ vì tôi biết chắc ba má tôi, dù không còn làm chủ ở đó, cũng sẽ rất buồn trước vụ việc này”, Huynh nói với Zing.
Chiến dịch gây quỹ của Brian Huynh thành công ngoài mong đợi, khi đạt mốc cần thiết chỉ trong vài ngày. “Tôi từng nghĩ nhà hàng cũng khá phổ biến trong khu vực này, nhưng qua vụ việc thì tôi rất bất ngờ khi thấy nó được nhiều người yêu mến đến vậy”.
Nhà hàng của ông Thanh Sơn bị hư hại hoàn toàn sau vụ cháy. |
“Đối tượng dễ bị thiệt hại là các cửa hàng cao cấp”
Chị Mỹ Nguyễn sở hữu hai cửa tiệm bán bánh mỳ bán mang đi ở thành phố New York, một cửa tiệm ở gần Phố Wall và một chi nhánh ở khu Tribeca, “một trong những nơi có nhiều người giàu sinh sống”. Việc kinh doanh đã tạm ngưng một thời gian từ khi dịch bệnh bùng phát.
Trước nhiều vụ biểu tình xảy ra ở New York, chị tỏ ra lạc quan rằng cửa hàng sẽ không bị cướp bóc hay đập phá, dù đoàn người biểu tình có đi ngang cửa tiệm ở Tribeca bởi “bên trong cửa tiệm cũng đâu có đồ đạc gì đáng kể”.
“Hai cửa hàng của tôi không phải nằm gần các cửa hàng cao cấp và khu trung tâm thương mại. Tôi nghĩ những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất chính là các trung tâm mua sắm lớn”, chị Mỹ nói với Zing.
“Tuy nhiên, cần phân biệt rõ những người lợi dụng tình hình đông đúc, ai cũng che mặt, để làm những việc đó (cướp bóc, đập phá). Họ không phải là những người đi biểu tình thật sự. Bạn bè tôi cũng đi biểu tình rất nhiều. Đó là những cuộc biểu tình ôn hoà”, chị Mỹ nói.
Ngay cả khi việc giãn cách xã hội đang được nới lỏng, một số hoạt động kinh doanh đã được khôi phục, chị Mỹ cho biết vẫn chưa có ý định mở lại cửa tiệm do cần thương lượng về giá thuê mặt bằng. “Bây giờ mà mở cửa lại cũng giống như thành lập tiệm mới vậy đó. Người dân vẫn chưa mua sắm trở lại, nên mình có mở cửa thì cũng sẽ không có khách.”
Chị Mỹ cho rằng tình hình bạo loạn có thể sẽ giảm căng thẳng nếu chính quyền tiếp tục thực hiện lệnh giới nghiêm vào buổi tối. “Thực ra nói là giới nghiêm 20h nhưng người dân vẫn còn ở ngoài đường đến 21h, 22h. Tôi nghĩ có thể đẩy giờ giới nghiêm lên sớm hơn, để người dân có thể về nhà sớm, giúp cảnh sát dễ hoạt động hơn trong việc phân biệt ai là người biểu tình và ai là tội phạm”.
Tuy nhiên, chị Mỹ dự đoán tình hình “có thể đến tuần tới nữa vẫn chưa yên đâu”.