Nhịp sống trẻ

Những triệu phú áo xanh ở Anh Sơn 

18:54, 21/03/2022
Không lựa chọn con đường vào đại học, cao đẳng hay không xin vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp như bạn bè cùng trang lứa mà quyết về quê lập nghiệp, với tài sản lớn nhất là sức trẻ và tinh thần xung kích, tình nguyện - đó là câu chuyện lập nghiệp, làm giàu của những đoàn viên, thanh niên được gọi là những triệu phú áo xanh ở huyện Anh Sơn. 

Theo lời giới thiệu của Đoàn xã Tường Sơn, Anh Sơn chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của đoàn viên Lê Quốc Phi ở thôn 9. Tính cách cởi mở, sự thật thà, chất phác khiến chúng tôi nhanh chóng bị cuốn vào câu chuyện khởi nghiệp trên đất quê của anh. Anh Phi tâm sự: Sau khi học xong trung cấp nghề chăn nuôi thú y, anh vào Nam lập nghiệp để kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. Thời gian này anh không xin được việc làm theo đúng nghề đã học nên anh làm nghề lái xe. Quá trình làm việc, anh luôn nuôi dưỡng niềm khát khao được trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau nhiều năm vất vả mưu sinh, nhận thấy vùng đập khe Cây Da tại địa phương điều kiện về thổ nhưỡng, đất đai rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình kinh tế VACR - một mô hình khép kín tạo điều kiện để phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018 anh đã quyết định về quê lập nghiệp, và đầu tư trồng rừng nguyên liệu chủ yếu là keo tràm, đào, đắp ao để thả cá và chăn nuôi trâu bò. Đến nay, mô hình của gia đình anh đang có 10 ha rừng; 2 ha sắn; 7 con trâu và 5 sào ao thả cá. Lợi nhuận mỗi năm sau khi trừ chi phí cũng mang lại cho anh xấp xỉ 200 triệu đồng. Ngoài việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Phi thường xuyên tham gia các hoạt động đoàn ở địa phương và đã từng là bí thư chi đoàn ở vùng giáo năng nổ, nhiệt tình. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên quê hương, với mục đích tiếp tục nhân rộng mô hình kinh tế của mình để đoàn viên, thanh niên địa phương tham gia phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình kinh tế của đoàn viên Lê Quốc Phi ở thôn 9 xã Tường Sơn là một trong những mô hình tiêu biểu ở địa phương
Mô hình kinh tế của đoàn viên Lê Quốc Phi ở thôn 9 xã Tường Sơn là một trong những mô hình tiêu biểu ở địa phương

Sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, chàng thanh niên Trương Hữu Nhật, sinh năm 1991 ở thôn 12 xã Long Sơn huyện Anh Sơn đã ấp ủ mơ ước làm giàu trên mảnh đất quê hương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi học xong THPT, không lựa chọn vào các trường đại học, cao đẳng mà Nhật quyết định bắt tay vào thực hiện ý tưởng khởi nghiệp đã ấp ủ từ lâu. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, được ưu tiên vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp tỉnh Nghệ An và vốn vay giải quyết việc làm từ ngân hàng CSXH huyện Anh Sơn số tiền 50 triệu đồng, anh Nhật đã đầu tư vào phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Anh Nhật chia sẻ: Bản thân có điều kiện thuận lợi là gia đình có sẵn đất đồi để xây dựng trang trại phát triển kinh tế. Đầu tiên anh đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt, gà thịt. Trong thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, với tinh thần quyết chí lập nghiệp, tôi không hề nản chí.

Để chăn nuôi mang lại hiệu quả, ngoài học tập kinh nghiệm thực tế của những hộ chăn nuôi trong vùng, anh Nhật đã lên mạng tìm tài liệu học thêm. Theo kinh nghiệm của anh Nhật để chăn nuôi gà có hiệu quả anh đã áp dụng nuôi gà an toàn sinh học, sử dụng đệm lót bằng trú hoặc mụn cưa và men vi sinh, để bảo đảm vệ sinh môi trường. Khu chăn nuôi lợn được anh thiết kế tương đối khoa học, gồm khu lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn con mới tách cai sữa, khu nuôi lợn thương phẩm, bảo đảm chăn nuôi theo quy trình khép kín. Ngoài ra anh còn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt quy định về tiêm phòng vắc xin và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ngoài chăn nuôi, anh Nhật còn trồng 8 ha rừng chủ yếu là keo, tràm, 3 ha chè công nghiệp, 1 ha ao cá. Hiện nay trong chuồng trại của gia đình có gần 100 con lợn thịt, 5 con lợn nái, 1.500 con gà và vịt. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, cho gia đình anh thu nhập từ 200- 250 triệu đồng. 

Mô hình chăn nuôi của anh Trương Hữu Nhật, ở thôn 12 xã Long Sơn.

Anh Lê Quốc Phi, anh Trương Hữu Nhật chỉ là 2 trong số rất nhiều đoàn viên thanh niên ở huyện Anh Sơn mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Để thu hút ngày càng nhiều thanh niên khởi nghiệp tại quê hương, những năm gần đây, BTV huyện đoàn Anh Sơn đã chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, đầu tư vào phát triển kinh tế gia đình. Trong năm 2021, Huyện đoàn Anh Sơn đã tổ chức diễn đàn thanh niên khởi nghiệp;  Phối hợp với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tập huấn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế với sự tham gia của hơn 100 đoàn viên thanh niên tham gia. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức hội tổ chức tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho đoàn viên thanh niên nhất là đoàn viên bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, cũng như tín chấp các nguồn vốn cho đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế. Hiện nay ĐVTN trong toàn huyện đã thông qua BTV đoàn cơ sở vay vốn từ Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội được trên 90 tỉ đồng, giúp ĐVTN phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn này, nhiều đoàn viên thanh niên đã tìm tòi, sáng tạo, tìm ra hướng phát triển kinh tế mới từ đồng đất quê hương, toàn huyện hiện có trên 150 mô hình của đoàn viên thanh niên có thu nhập từ 50- 250 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thanh niên gặp khó khăn khi làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp ngoài địa phương đã trở về quê hương và mong muốn tìm hướng đi mới, phát triển kinh tế gia đình ngay tại địa phương. Huyện đoàn Anh Sơn và các cơ sở đoàn luôn là cầu nối, giúp đỡ, tiếp thêm động lực để các đoàn viên, thanh niên thực hiện nguyện vọng của mình.

Toàn huyện Anh Sơn hiện có trên 150 mô hình của đoàn viên thanh niên có thu nhập từ 50- 250 triệu đồng/năm.

Anh Thái Doãn Quỳnh, Bí thư huyện đoàn Anh Sơn cho biết: Với ý chí, khát vọng và tinh thần dám nghĩ dám làm, hăng say lao động, những đoàn viên thanh niên thành công trên quê hương ở Anh Sơn đã và đang khẳng định mình, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong thời gian tới, BTV huyện đoàn Anh Sơn sẽ tạo mọi điều kiện để thanh niên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thanh niên thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn, cũng như tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất; chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương giải quyết công việc tại chỗ cho thanh niên để ngày càng có nhiều đoàn viên lập nghiệp trên quê hương.

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện