“Việt Hoa” ở Berlin
Sinh năm 1974, tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, học xong phổ thông trung học, hoàn cảnh gia đình khó khăn vì đông em, Hạnh chọn cho mình con đường đi xuất khẩu lao động, với mong ước làm sao để sớm có tiền tự nuôi mình và giúp cha mẹ nuôi các em ăn học.
Đến hôm nay, khi đã thành một ông chủ kinh doanh hoa tươi vào hàng lớn nhất tại Berlin, Hạnh vẫn không thể quên được những năm tháng đầu nơi đất khách quê người. Không người quen, không vốn liếng, và dĩ nhiên là không biết một tiếng nước ngoài. Để kiếm sống, Hạnh phải làm đủ mọi nghề, từ rửa bát, chạy bàn cho nhà hàng, đến đi bán rong thuốc lá, hoa tươi giữa cái rét luôn ở độ âm. Và có lẽ chính những năm tháng gian khó ấy đã cho Hạnh các tố chất làm nên thành công của anh ngày hôm nay. Đó là nghị lực vượt khó bằng sự kiên nhẫn ghê gớm; là sự nhanh nhạy trong học hỏi, hiểu tâm lý và nắm bắt được sở thích của người tiêu dùng vốn khó tính như người Đức.
Anh Hạnh bắt đầu một ngày làm việc ở Berlin |
Lăn lộn làm ăn và tích cóp từng đồng lẻ, sau 3 năm, Hạnh thuê được một cửa hàng nhỏ bán hoa tươi trên phố. Vừa kinh doanh, tích cóp, vừa mày mò học hỏi, việc Hạnh trở thành một trong số ít chủ đầu mối kinh doanh hoa tươi lớn nhất tại Berlin là một câu chuyện rất dài.
Một ngày làm việc của Hạnh bắt đầu từ 5h sáng. Đó là thời điểm mà phiên đấu giá hoa tươi tại Amsterdam - Hà lan bắt đầu hoạt động. Ngồi trước màn hình máy tính, Hạnh dồn hết tâm trí vào việc đấu giá các lô hoa đang được hiện thị và quay vòng chậm trên màn hình với đầy đủ các thông số về số lượng, giá cả. Nhiều đối thủ làm ăn của Hạnh tại Tokio, Pari, Viên, Phara... cũng đang tham gia phiên đấu giá qua mạng. Trong căn phòng nhỏ ngay tại kho hàng, những quyết định mua từng lô hàng được Hạnh đưa ra thật dứt khoát, bằng tiếng anh. Ngay sau đó, một đại diện của Hạnh là người Hà Lan tại Amsteđam sẽ thực hiện các quyết định của anh, làm thủ tục và chuyển hoa về Berlin. Không biết trong chuỗi những ngày tháng lăn lộn kiếm sống trước đây, Hạnh đã học ngoại ngữ và tin học từ lúc nào.
Cửa hàng hoa "Việt Hoa" ở Berlin luôn tấp nập |
Trên con đường cao tốc hơn 500km từ Hà Lan về Berlin, những chiếc xe tải hạng nặng với đủ tiêu chuẩn vận chuyển hoa tươi của Hạnh luôn hoạt động. Mỗi chuyến hàng trị giá trên dưới 200 ngàn Euro. Hoa được vận chuyển về dãy nhà kho lớn rộng chừng 2000m2, cách trung tâm thành phố chừng 15km về phía tây. Tại đây, 5 - 6 lao động cả người Việt và người nước ngoài sắp xếp cẩn thận lên những giá hàng. Số lượng và chủng loại của từng lô hàng được phân phối theo đặt hàng của các đại lý bán lẻ. Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, tất cả số hoa vừa chuyển về đã được các đại lý bán lẻ mua hết. Tiền lương của mỗi lao động được nhận từ 1200- 1500 Euro mỗi tháng.
Ngay trong trung tâm thương mại Alexa tại thành phố Berlin, giữa mênh mông của đủ các loại quầy hàng hóa sang trọng, quầy hoa tươi “Việt Hoa” của Hạnh đẹp ngỡ ngàng. Những đóa hồng Hà Lan đủ màu sắc, những bông Tuylip lớn và dài chừng 1 mét được xếp cẩn thận trong những hộp giấy, tất cả đều tươi rói. Giá mỗi bông hồng được bán 0.6 euro, Lan 1,5 euro/ cành... Chúng tôi dừng lại khá lâu ở quầy hoa. Khách hàng đi mua sắm cuối năm ghé vào hàng hoa khá đông. Bán hoa tại quầy là vợ, em gái Hạnh và một cô gái người Đức tên là Irina, mà công việc của cả ba hầu như không mấy khi ngơi tay. Irina làm việc cho Việt Hoa đã hơn 4 năm nay. Khéo léo và thoăn thoắt gói hoa, gương mặt Irina luôn mỉm cười khi trao hoa cho khách. Hỏi về thu nhập và tiền thuế cho nhà nước, Hạnh cho biết những năm gần đây, mỗi năm cơ sở kinh doanh hoa tươi của Hạnh nộp thuế tới hơn 70 ngàn Euro. Một con số không hề nhỏ đối với người kinh doanh tại Đức.
Được biết, ngoài kinh doanh, Hạnh còn đảm nhận vai trò phó chủ tịch Hội đồng hương người Nghệ An tại Berlin. Dù hội mới thành lập, nhưng năm vừa qua các anh đã có nhiều hoạt động tích cực, giúp đỡ nhiều con em quê hương khi mới sang học tập, làm ăn. Riêng năm nay, hội đã gửi tiền về giúp xây được 7 ngôi nhà cho hộ nghèo. Ngay sau đợt mưa lũ vừa qua, Hội đồng hương Nghệ An tại Berlin cũng đã kịp thời gừi tiền về chia sẻ với đồng bào vùng lũ.
Công việc khá bận, nhưng Hạnh cứ tha thiết mời chúng tôi tới thăm nhà riêng. Căn hộ rộng hơn 100m2 trung tâm thương mại Alexa Hạnh thuê với giá 1000 euro/ tháng được bài trí như nhiều gia đình ở Việt Nam. Cô con gái đầu học lớp 5 ra lễ phép chào khách, giúp bố pha nước, rồi lại lễ phép chào khách vào phòng riêng đọc sách. Hạnh chia sẻ: Nếu năm tới các anh sang thì em đã có nhà riêng khang trang. Lúc ấy xin mời các anh về ở với gia đình, vừa vui lại đỡ tốn tiền khách sạn.
Dọc đường về, ngồi trên chiếc xe ô tô sang trọng do anh đặt hàng tại hãng xe hơi Mexedet nổi tiếng của Đức, tôi hỏi Hạnh: trong sự thành đạt hôm nay, có điều gì còn làm anh phải băn khoăn. Trầm ngâm một lúc, Hạnh chia sẻ: hơn 15 năm sống ở nước ngoài nhưng anh không lúc nào nguôi nhớ nhà, nhớ quê, càng gần tết nỗi nhớ càng cồn cào. Được thảnh thơi nhất, vui nhất là những ngày về quê, được sống trong không khí gia đình anh em, bè bạn. Với Hạnh, gia đình của người Việt có một nét văn hóa rất riêng. Đôi lúc Hạnh nghĩ: Các con anh đều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Trong gia đình, vợ chồng anh luôn dành thời gian dạy các cháu nói và viết tiếng Việt và những phong tục thuần Việt. Hè nào, anh cũng dành thời gian cho các con về quê. Nhưng liệu rồi đây, các con anh có giữ được những nét đẹp văn hóa, tình cảm gia đình Việt khi khôn lớn?
Chia sẻ ý nghĩ ấy của anh, nhưng chúng tôi nói với anh rằng, với suy nghĩ những việc làm của Hạnh, của biết bao gia đình người Việt đang chăm chỉ làm ăn ở nước ngoài, rồi đây các con anh cũng như rất nhiều trẻ em người Việt sinh ra và lớn lên nơi xa tổ quốc chắc chắn sẽ tiếp nối, gìn giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sẽ luôn hướng về quê cha đất tổ. Trong một thế giới phẳng đã và đang ngày càng tiện ích nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, giúp con người ngày càng gần nhau hơn về không gian, thời gian và tình cảm, thì niềm tin ấy là hoàn toàn có cơ sở.
(Nguyễn Như Khôi)