Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khoáng sản Quỳ Hợp: DN mỏi cổ chờ cấp lại giấy phép khai thác

16:17, 19/02/2011
Trở lại vấn đề liên quan đến việc tạm đình chỉ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp từ hồi cuối tháng 3 năm 2010 đến nay, chúng tôi xin nêu một vài khía cạnh ảnh hưởng xấu đến hoạt động làm ăn của các công ty, xí nghiệp, và sự thất nghiệp của người lao động.

 

 

Sau những ồn ào, các mỏ đá được "nghỉ ngơi" vì các DN khai thác phải chờ cơ quan chức năng cấp lại giấy phép.

 

Khai thác khoáng sản, cụ thể là khai thác đá xây dựng, đá trắng xuất khẩu trên địa bàn huyện Quỳ Hợp năm qua đã gây sự bất bình trong dự luận. Từ phía người dân sống xung quanh các mỏ đá là vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ góc độ quản lý tài nguyên là ra sự lãng phí “băm nhỏ tài nguyên”. Hậu quả xấu này còn kéo theo sự thất thoát một lượng đá khổng lồ do bán tài nguyên bừa bãi, trốn thuế, mà cơ quan chức năng chưa đong đếm được.

 

Từ tháng 3 năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận yêu cầu 54 điểm mỏ khai thác đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp phải ngừng mọi hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, với lí do: Các giấy phép mà các Công ty được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép không đảm bảo theo quy định của Nhà nước. Kết luận này đã buộc các điểm mỏ phải tạm ngừng mọi hoạt động trong thời gian 3 tháng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 19 tháng 3 năm 2010, UBND tỉnh đã quyết định về việc đình chỉ khai thác khoáng sản tại 54 điểm mỏ trong thời gian 3 tháng để thực hiện việc cấp lại giấy phép. Nhưng điều đáng nói hiện nay là việc đình chỉ và kiểm tra, tổ chức lại việc cấp giấy phép cho các công ty, xí nghiệp  kéo dài  quá thời gian quy định. Cho đến nay, đã 11 tháng trôi qua, doanh nghiệp khai thác đá ở Quỳ Hợp vẫn còn nhiều băn khoăn, vì không biết đến bao giờ họ mới được quay trở lại sản xuất khai thác, chế biến đá, khi mà hệ thống máy móc, phân xưởng đã bị bỏ không lâu nay. Anh Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Giám đốc Công ty TNHH đá Phủ Quỳ kiến nghị: Nếu phải thu hồi giấy phép cũng sớm thu hồi theo đúng luật để DN chuyển hướng đầu tư, phân định đúng – sai rõ ràng, những thiệt hại về tài chính, trách nhiệm sẽ thuộc về ai; Nếu phải đổi lại giấy phép cũng phải sớm đổi, yêu cầu doanh nghiệp bổ sung gì để DN bổ sung.

 

Quả thực, đối với 49 doanh nghiệp lớn nhỏ đã đầu tư vào các điểm mỏ đá để làm ăn, thì mỗi một ngày ngừng sản xuất, ngừng bán buôn, xuất khẩu, thì nỗi lo lại đổ dồn vào đầu các ông chủ. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã phải chịu lỗ do đầu tư hàng chục tỷ đồng vào máy móc thiết bị mà không được sản xuất; phải cắt hợp đồng với người lao động, do không có tiền trả. Khoảng gần một vạn người lao động tại các mỏ đá bị mất việc làm. Và vấn đề quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh của các công ty, xí nghiệp là phá vỡ mối quan hệ buôn bán hàng hoá với phía đối tác. Thêm nữa, nhiều công ty vẫn phải trả lãi suất cho ngân hàng, trong khi đơn vị không được khai thác, sản xuất. Các doanh nghiệp không kinh doanh, thì kéo theo nguồn thu bền vững của địa phương bị giảm đáng kể. Theo tính toán sơ bộ của Chi cục thuế Quỳ Hợp, thu ngân sách năm qua bị thụt giảm trên dưới 40 tỷ đồng, do các công ty khai thác đá ngừng hoạt động. Về trách nhiệm của chính quyền sở tại trước vấn đề quản lý khoáng sản, ông Cao Thanh Long - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng UBND chỉ huyện tập trung quản lý mạnh không để khai thác khoáng sản trôi nổi, trái phép, đảm bảo môi trường.  

 

Theo dõi vấn đề khai thác tài nguyên đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp kể từ ngày Thanh tra Chính phủ có kết luận yêu cầu 54 điểm mỏ tạm ngừng mọi hoạt động thăm dò, khai thác trong thời gian 3 tháng, chúng tôi thấy, dường như có sự buông lỏng của cơ quan chức năng nhà nước trước sự sống còn của các doanh nghiệp, bất chấp sự chờ đợi của họ. Ngày 4 tháng 11 năm 2010, 49 công ty khai thác đá đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài nguyên và môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về việc chậm trễ trong giải quyết việc tạm đình chỉ hoạt động khoáng sản tại 54 điểm mỏ, nhưng từ đó đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự trả lời nào!

 

Từ loạn khai thác khoáng sản ở Quỳ Hợp đến việc tổ chức quản lý khai thác sao cho hợp lý quả là vấn đề hóc búa, nan giải. Nhưng nói gì thì nói, hàng loạt doanh nghiệp bị ngừng trệ sản xuất, gần một vạn công nhân bị mất việc làm đang là một hậu họa của an sinh xã hội trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Trước thực trạng này, thiết nghĩ, các  cấp chính quyền và cơ quan quản lí nhà nước về tài nguyên khoáng sản, cấp giấy phép đầu tư, cần có trách nhiệm cao hơn trong giải quyết mọi khúc mắc liên quan đến vấn đề quản lí tài nguyên, và hoạt động của nhiều doanh nghiêp, công ty khai thác đá ở Quỳ Hợp hiện nay.

 

(Dương Cầm)