Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Mùa xuân của những người trồng rừng

15:22, 10/02/2011
Trong cái rét buốt của núi rừng, trong sắc xuân ngập tràn khắp nơi nơi, nhà nhà đoàn tụ, người người đều mong muốn sum họp với gia đình để có một cái tết thật ấm cúng và yên bình. Nhưng những người cán bộ Lâm trường Con Cuông vẫn miệt mài với công việc, với những việc làm hàng ngày tưởng như giản đơn nhưng rất thầm lặng và cao quý. Họ đang ngày đêm bảo vệ và gieo những mầm

 

 
   

Năm nay thời tiết thật lạnh. Trận rét đậm rét hại kéo dài đã khiến không ít các loại cây khi mới vào thời khi sinh trưởng không thể sống nổi. Để đảm bảo tiến độ trồng rừng trong mùa xuân mới. Những cán bộ công nhân của Lâm trường Con Cuông lại phải đối mắt với những khó khăn thách thức. Họ đã ngày đêm bám đất, bám rừng, quên đi cái lạnh của bản thân để sưởi ấm cho những mầm cây đang thời kỳ bén rễ. Cũng dường như họ quên rằng thời điểm này đã là những ngày cuối cùng của năm cũ. Mọi nhà đang chuẩn bị sắm sửa cho một cái tết đủ đầy, đầm ấm.

 

Có lẽ chính cái không khí làm việc khẩn trương quên thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết ấy đã mang lại cho lâm trường Con Cuông những thành quả thật đáng trân trọng. Năm 2010, Cán bộ công nhân công ty TNHH 1 thành viên Lâm Nghiệp Con Cuông đã bảo vệ tốt 8.423ha rừng và đất rừng được giao, diện tích rừng giàu ngày một tăng và độ che phủ rừng lên tới 97%, cao nhất cả nước. Lần đầu tiên, người công nhân nơi đây được thưởng tết 500.000 đồng, số tiền không nhiều nhưng đã góp phần động viên khuyến khích, giúp họ có thêm động lực để phấn đấu cho sự nghiệp trồng rừng, cho cây rừng mãi mãi xanh tốt.

 

Theo chân những cán bộ Lâm trường vào trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, khe nóng, cách trụ sở Lâm trường khoảng 40km. Có đi, đến và chứng kiến chúng tôi mới thấy hết cái khó khăn, vất vả mà những cán bộ công nhân nơi đây đang phải trải qua. Gặp gỡ đoàn công tác và được đón nhận món quà mà người cán bộ thay mặt Lâm trường chúc tết tới anh em trực tại trạm, họ vui mừng khôn xiết. Xuân về, tết đến trong lòng mỗi người đang háo hức chờ đợi một cái tết vui vẻ, sum họp cùng gia đình, thì những người cán bộ bảo vệ rừng này lại phải làm việc, mà làm việc vất vả và với tình thân trách nhiệm cao hơn ngày thường. Bởi công việc bảo vệ rừng của các anh hết sức phức tạp, gian khó. Địa bàn nằm sâu, dân cư là đồng bào dân tộc ít người, sống rải rác và nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế. Lâm tặc thường lợi dụng những sơ hở trong ngày tết để chặt phá, khai thác gỗ. Theo chân các anh trong một buổi tuần tra, bảo vệ rừng. Công việc mà các anh phải làm hàng ngày, hàng giờ chúng tôi mới thấy được tình yêu mà các anh dành cho cây rừng lớn đến nhường nào…

 

Để bảo vệ cây rừng, các anh phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng. Cùng họ đến tận nhà dân để tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ, tránh chặt phá khai thác rừng bừa bãi. Cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn, nhận thức còn hạn chế, nên có được buổi tuyên truyền vận động thế này các anh đã phải có cả một quá trình thuyết phục để lấy được lòng tin của họ với cán bộ.

 

Anh Võ văn Tú, quê ở Hưng Nguyên năm nay đã là năm thứ 3 anh ăn tết ở rừng. Trò chuyện với anh, chúng tôi phần nào hiểu được vì sao tuổi còn trẻ mà anh đã là Trạm trưởng và vì sao đã 3 mùa xuân rồi anh song hành cùng đồng đội nơi rừng sâu này bởi câu trả lời hết sức giản dị của anh: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”, rồi anh cười…

 

Sau hơn một ngày vất vả cùng với những cán bộ bảo vệ rừng Khe Nóng, chúng tôi lại có mặt tại trụ sở Lâm trường. Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà nhỏ nhưng rất khang trang của dia đình anh Nguyễn Tiến Sanh - quê gốc ở  huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Anh Sanh là công nhân Lâm trường hơn 20 năm nay, đây là năm đầu tiên anh Sanh và gia đình, có một cái tết no ấm và đủ đầy hơn bởi với 5ha rừng được giao khoán đang kỳ thu hoạch. Anh đã sắm sửa được tiện nghi trong nhà và đủ điều kiện để nuôi các con ăn học, trưởng thành. Sự đủ đầy, no ấm cuả những người công nhân trong công ty TNHH 1 thành viên Lâm Nghiệp Con Cuông đã phần nào cho thấy hiệu quả từ công tác trồng rừng và giao khoán rừng đến tận hộ gia đình là một chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước. Người công nhân đã sống được nhờ rừng và giàu lên từ rừng.

 

Bận rộn là thế, khó khăn là thế nhưng những cán bộ trồng rừng vẫn chuẩn bị cho mình một cái tết đủ đầy… Nhiều người thì có gia đình tại lâm trường, nhưng cũng không ít người gia đình xa, nhưng vì công việc vì những cánh rừng bạt ngàn xanh họ đã phải hy sinh niềm hạnh phúc được sum vầy bên gia đình để bám đất, bám rừng, bảo vệ nguồn nguyên liệu quý giá cho đất nước quê hương. Cũng vì những mầm xanh ấy mà họ đã phải dầm mình trong mưa gió, giá rét để chăm sóc, bảo vệ từng cây giống. Làm sao có đủ khối lượng cây giống khổng lồ đáp ứng cho 500ha rừng trồng mới vào ngày đầu xuân và còn để cung cấp cho các địa phương lân cận. Đây chính là nhiệm vụ hàng đầu và đặc biệt quan trọng đối với những công nhân Lâm trường trong thời điểm giáp tết mà diễn biến thời tiết hết sức khắc nghiệt như thế này.

 

Khi tiếng trống giao thừa đã điểm nhưng các anh vẫn còn phải đi tuần tra bảo vệ rừng. Mỗi người, mỗi bộ phận một nhiệm vụ khác nhau. Những người làm công tác tuần tra, bảo vệ rừng phải đối mặt với bọn lâm tặc liều lĩnh và sự khắc nghiệp của thiên tai. Họ phải làm sao để những mầm cây non nót giữ được sự sống.

 

Có thể nói, sự kiên trì thực hiện câu khẩu hiệu của tập thể cán bộ công nhân viên Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp Con Cuông là: “Hãy làm cho được nhiều cánh rừng siêng, làm cho rừng giàu lên thực sự; chế biến và sản xuất kinh doanh giỏi, nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên”, trong suốt thời gian qua, đời sống của công nhân cũng như diện mạo Công ty đã có nhiều đổi khác. Có biết bao tấm gương suốt đời cống hiến, tận tuỵ vì sự nghiệp trồng rừng. Hơn 20 cán bộ công nhân lâm trường đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng lâm trường đã cho thấy để sự nỗ lực không ngừng và một tình yêu lớn lao mà những cán bộ công nhân nơi đây đã dành cho cây rừng. Để rồi hôm nay, Lâm trường Con Cuông xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng trong thời kỳ đổi mới”.

 

Một mùa xuân mới lại về. Một tết trồng cây nữa lại đến. Những cán bộ trồng rừng lại tiếp tục công việc cao quý của mình là ươm những mầm xanh thật tươi tốt, để xứng đáng với lời nhắm nhủ của Bác hồ kính yêu: “Mùa xuân là tết trồng cây; làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Hơn lúc nào hết, những con người nguyện suốt đời gắn với cây rừng này sẽ làm hết sức mình để màu xanh mãi mãi bao phủ trên dải đất miền tây xứ Nghệ.

 

(Khánh Ly)