Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Những người lập nghiệp ở vùng biên

09:09, 26/03/2011
Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ của mình, có rất nhiều người trẻ tuổi đã vươn lên tạo ra những mùa xuân ấm no, giàu đẹp ngay trên quê hương mình.. Đó là những tấm gương đoàn viên làm kinh tế giỏi trong phong trào thanh niên lập nghiệp của xã Thanh Thuỷ huyện Thanh Chương.

 

Thanh Thuỷ là 1 xã vùng biên của huyện Thanh Chương. Đời sống kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Trong thời gian qua, tỷ lệ thanh niên sau khi hết học đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam ngày càng gia tăng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các phong trào Đoàn - Hội, đặc biệt là công tác tập hợp, phát triển đoàn viên.

 

Với những chương trình hành động do Huyện Đoàn Thanh Chương xây dựng và triển khai thực hiện, BCH đoàn xã Thanh Thuỷ đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả, thu hút đông đảo Đoàn viên tham gia. Đặc biệt, nhằm khuyến khích thanh niên ở lại địa phương phát triển kinh tế, Đoàn xã đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp.

 

Từ đây, đã có rất nhiều đoàn viên trở thành tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Họ là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, không quản ngại gian khó, quyết khai phá rừng thiêng nước độc để lập nghiệp. Bằng bàn tay và khối óc của các chàng trai trẻ, rất nhiều đất trống, đồi núi trọc ở Thanh Thuỷ đã biến thành “vàng”.

 

Nguyễn Xuân Tú - Triệu phú ở tuổi đôi mươi

 

Sinh năm 1989, Nguyễn Xuân Tú trông có vẻ già dặn hơn so với những người bạn đồng trang lứa. Nhưng ở tuổi 20 thì không phải ai cũng có được thành tích phát triển kinh tế như Tú hiện nay.

 

Là con thứ 3 trong một gia đình làm nông nghiệp, lại ở vùng biên giới mà rừng đã bị chặt phá chỉ còn trơ đồi trọc, để có việc làm và thu nhập ổn định thật không dễ dàng với một thanh niên vừa rời ghế nhà trường. Do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, tốt nghiệp phổ thông, Tú khăn gói vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Sau mỗi ngày lao động cực nhọc, Tú nhận ra rằng nếu cuộc đời cứ mãi làm thuê thì chẳng có ý nghĩa gì. Năm 2007, Tú lại vác ba lô quay về và quyết tâm lập nghiệp ngay trên mảnh đất nghèo của quê hương mình.

 

Được bố mẹ động viên và anh em cán bộ Đoàn xã Thanh Thủy giúp đỡ, trên 10ha đất đồi mà gia đình đã được giao sản xuất từ năm 1990, Tú bàn với bố quyết tâm đầu tư xây dựng thành mô hình vườn - rừng. Bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể địa phương, người đã giúp đỡ cho Tú khá đắc lực chính là bố. Ông vốn một một khuyến nông viên của xã, hội viên hội nông dân, nên Tú được truyền thụ nhiều kinh nghiệm từ trồng trọt đến chăn nuôi. Phát huy lợi thế đó, cộng với sự nhạy bén của tuổi trẻ, hướng phát triển kinh tế của Nguyễn Xuân Tú đã đưa lại hiệu quả.

 

Trải qua bao vất vả nhọc nhằn, thức khuya dậy sớm, hiện nay, trang trại của Nguyễn Xuân Tú đã thành một mô hình phát triển khá. Chỉ tính trung bình một năm, 1ha trồng chè thu nhập 25 triệu đồng, 8ha trồng nguyên liệu giấy khoảng 40-50 triệu đồng, 1ha trồng nguyên liệu sắn, rễ hương khoảng 25 triệu đồng thì cũng đã mang lại cho gia đình Tú hàng trăm triệu đồng. Mô hình của Nguyễn Xuân Tú đã đưa lại sự đổi thay đáng kể trong cung cách làm ăn trong đoàn viên thanh niên ở vùng biên giới. Và con đường làm giàu ngay tại quê hương luôn luôn rộng mở với những ai dám nghĩ, dám làm và vượt qua thử thách.

 

Nguyễn Sỹ Đức - Làm giàu từ đồi hoang

 

Ở xóm 7, xã Thanh Thuỷ, đoàn viên Nguyễn Sỹ Đức đã từng được mệnh danh là “Đức khùng” khi quyết tâm khai phá đồi hoang để trồng rừng. Nhưng nhìn cơ ngơi trang trại hiện nay của Đức, nhiều người đã nhận ra hướng đi và quyết tâm của Đức là có cơ sở để làm thành hiện thực.

 

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm, mẹ một mình tần tảo nuôi mấy anh em khôn lớn. Vì vậy, Nguyễn Sỹ Đức đã biết không thể có sự lựa chọn nào khác cho tương lai học vấn của mình. Tốt nghiệp phổ thông, Đức không thi đại học mà ở lại quê tính kế trồng rừng ngay từ thuở ban đầu. Và bước đầu tiên là năm 2003, Đức xin nhận hơn 20ha đất rừng nghèo để làm trang trại.

 

Khi đã hoạch định rõ hướng mô hình, Đức cùng mẹ vay mượn và bắt tay trồng rừng. Mưa nắng, sớm hôm không quản ngại, keo lai và tràm vẫn vươn lên giữa đồi hoang. Từ sỏi đá, đất cằn đã trở thành khu rừng trồng xanh bạt ngàn, tươi tốt.   

 

Ngoài diện tích trồng keo, tràm, bạch đàn, số còn lại Đức trồng chè và sắn, rồi ngăn dòng Khe Tràm thành ao thả cá. Trồng cây rồi cũng đến ngày hái quả, trang trại của Đức đã bắt đầu cho thu hoạch. Từ sắn, chè, rồi cá, rồi cây trồng cứ thế xoay vòng, hết mùa gối vụ, hết năm nối tháng, mồ hôi và công sức đã mang lại cho Đức và gia đình cuộc sống no đủ.

 

Từ một vùng đồi hoang, nay trang trại của Đức đã trở thành trang trại điển hình ở Thanh Thuỷ. Chỉ riêng giá trị cây trên đất, bây giờ đã có người dạm mua trên 1 tỷ đồng, nhưng chỉ ít năm nữa giá trị cây trồng của hơn 20ha này còn có thể cao gấp nhiều lần như thế. Bằng hướng đi của mình với một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, Nguyễn Sỹ Đức đã minh chứng một điều rằng, dù là ở vùng đất cằn sỏi đá thì làm giàu quả thật không khó. Anh là tấm gương cho rất nhiều đoàn viên khác học tập và cùng vươn lên làm giàu. 

 

Nguyễn Văn Đại - Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

 

Không chỉ là một bí thư chi đoàn gương mẫu, Nguyễn Văn Đại còn là một thanh niên làm kinh tế giỏi vào lại nhất nhì trong xã Thanh Thuỷ.

 

Cũng như người bạn cùng xóm Nguyễn Xuân Tú, học hết phổ thông thì Đại ở nhà. Sớm tối loanh quanh luẩn quẩn với vài ba việc vặt trong nhà ngoài xóm mà thu nhập chẳng là bao trong khi cả mấy anh em, người thì còn đi học, người chưa có việc làm ổn định, Nguyễn Văn Đại quyết tâm cùng gánh vác việc nhà. Thấy hơn 22ha đất đồi của gia đình được giao quản lý từ năm 1996 chỉ trồng có mỗi cây bạch đàn cả chục năm mà thu nhập chẳng đáng kể gì, Đại bàn với bố quyết cải tạo lại cho hợp lý.

 

Được sự tin tưởng của gia đình, sự hỗ trợ vốn của Nhà nước và trang bị KHKT qua các lớp học do Đoàn thanh niên tổ chức lại nghiên cứu kỹ các mô hình kinh tế ở nhiều nơi, năm 2004, Đại quy hoạch 3,5ha trồng sắn nguyên liệu, còn lại tập trung trồng keo. Sau 5 năm, gần 20ha rừng keo lai đã xanh màu trù phú và bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2009, gia đình Đại bán 2ha keo nguyên liệu có thu nhập 160 triệu đồng, 3,5ha sắn sản lượng xấp xỉ 100 tấn cũng đưa về hơn 80 triệu đồng. Vậy là từ sáng kiến của Đại, gia đình đã thanh toán hết nợ ngân hàng và có tích luỹ để tái đầu tư cho trang trại trồng cây nguyên liệu.

 

Làm kinh tế giỏi lại hay giúp đỡ mọi người, Nguyễn Văn Đại được bầu làm Bí thư chi đoàn xóm 1. Trở thành cán bộ đoàn, Đại càng gương mẫu trong mọi công việc, nhất là tham gia tuyên truyền bà con vùng này không chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, vận động nhiều đoàn viên thanh niên trong vùng cùng thi đua phát triển kinh tế từ trồng rừng.

 

Về Thanh Thủy hôm nay, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn những cánh rừng xưa kia là rừng nghèo kiệt, hoang hoá hoặc đất trống đồi núi trọc giờ đây đang được hồi sinh trở lại. Có được màu xanh ấy, một phần là từ sức trẻ của những con người đã mạnh dạn lập nghiệp trên vùng biên ải này. Bằng ý chí và nghị lực, họ đã cống hiến những mùa xuân tuổi trẻ để cùng chung tay góp sức làm nên những mùa xuân no ấm quê hương.  

 

(Việt Anh)