Hàng trăm hộ dân Tân Kỳ phấp phỏng vì một dự án
Gia đình chị Phùng Thị Hòa - xóm Tân Thắng - xã Tân Long có gần 1 ha đất nằm trong diện giải tỏa Dự án xây dựng khu công nghiệp và vật liệu xây dựng Sài Gòn- Tân Kỳ. Nếu như trước đây toàn bộ diện tích này được dùng để trồng mía, mỗi năm cũng cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng, thì nay chị Hòa chỉ cố vớt vát bằng việc trồng các giống lạc ngắn ngày. Song chị cũng không dám đầu tư chăm bón, bởi không biết số diện tích đất trên sẽ bị thu hồi lúc nào.
Gần 2 trăm hộ dân của xã Tân Long - huyện Tân Kỳ cũng đang cùng chung cảnh ngộ của chị Hòa. Người dân cho biết, vùng đất ở đây rất thích hợp cho việc trồng mía, năng suất luôn đạt 70-90 tấn/ ha, cho thu nhập trên dưới 60 triệu đồng/ha. Từ nhiều năm nay, cuộc sống của họ đã dần khấm khá hơn nhờ loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao này. Thế nhưng 1 năm trở lại đây, gần 100ha đất đó đành phải bỏ hoang vì… chờ dự án. Điều này đã khiến cho những hộ dân chịu ảnh hưởng rất bức xúc và lo lắng.
Dự án xây dựng khu công nghiệp và vật liệu xây dựng Sài Gòn - Tân Kỳ được xem là một trong những dự án lớn nhất từ trước tới nay ở huyện Tân Kỳ, với tổng vốn đầu tư lến đến 1,5 tỷ USD. Dự án ngay khi bắt đầu triển khai đã nhận được sự quan tâm và hồ hởi đón nhận không chỉ của nhân dân huyện tân Kỳ mà còn cả tỉnh. Bởi khi khu công nghiệp đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết về thuê mặt bằng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và từng bước giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Diện tích quy hoạch của dự án là 600 ha, trong đó khu công nghiệp 400 ha, phần còn lại là các công trình công cộng và khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Tổng công suất của nhà máy lên đến 14 triệu tấn/ năm. Nhà đầu tư cam kết cuối năm 2010 sẽ lắp máy và tiến hành chạy thử vào quý III năm 2011, với công suất giai đoạn 1 là 2, 500 tấn Klanke/ ngày. Tổng công ty Xi măng Sài Gòn - Tân kỳ cũng đã hứa hẹn sẽ đền bù 40% giá trị đất cộng với giá trị cây cối hoa màu và hỗ trợ chi phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, có một thực tế là đến nay sau gần 1 năm khởi công “tưng bừng”, khu CN xi măng Sài Gòn- Tân Kỳ vẫn chỉ là một bãi đất hoang. Theo sự ủy quyền của Tổng công ty và UBND Tỉnh, Ban Đền bù và giải phóng mặt bằng huyện Tân Kỳ đã lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Nhưng phía Tổng công ty Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ vẫn chưa có động thái gì về mức giá đền bù. Về điều này, ông Phạm Văn Hóa - Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết thêm: “Từ tháng 12/2010 đến nay, UBND huyện Tân Kỳ đã nhiều lần chủ động mời công ty vào làm việc để thống nhất phương án bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng không hề nhận được sự liên hệ nào. Gần đây nhất, ngày 17/3/2011, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp giữa UBND huyện Tân Kỳ và Tổng công ty Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ để rà soát đánh giá tiến độ triển khai dự án nhưng công ty vẫn không có mặt”.
Việc triển khai Dự án xây dựng khu công nghiệp và vật liệu xây dựng Sài Gòn - Tân Kỳ là dấu hiệu tích cực để khơi dậy và phát huy tiềm năng của huyện Tân Kỳ nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Để dự án triển khai đúng tiến độ, sự vào cuộc của các ban ngành cấp tỉnh liên quan là rất quan trọng. Tuy nhiên, trước mắt để giúp người dân xã Tân Long ổn định cuộc sống, huyện Tân Kỳ cần sớm có những động thái quyết liệt với chủ đầu tư dự án trong việc gấp rút hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng như đã cam kết.
(Thu VInh)