Sức khỏe

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kết thúc cách ly y tế

20:58, 26/05/2021
Chiều 26/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kết thúc cách ly y tế, khoảng hơn 20 người thuộc khối hành chính được về nhà, khoảng 700 người tiếp tục cách ly tại viện.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, một số nhân viên không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, đã hoàn thành cách ly tập trung 21 ngày tại bệnh viện sẽ được về nhà cách ly tại nhà thêm 7 ngày nữa.

Các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và lực lượng hỗ trợ chống dịch như lái xe, tổ bảo vệ, tổ kỹ thuật sẽ tiếp tục ở lại bệnh viện. Như vậy, có khoảng 700 người bao gồm nhân viên bệnh viện và bệnh nhân, tiếp tục cách ly tại viện, từ 8h ngày 26/5 đến 8h ngày 9/6.

Một số y bác sĩ đã trực tiếp điều trị bệnh nhân quá lâu hoặc đã quá mệt mỏi hay có con nhỏ, gia đình có tang mà không về chịu tang được trong giai đoạn vừa qua, được ưu tiên về nhà. Bệnh viện sẽ bổ sung nhân lực mới để thay thế. Tuy nhiên, số lượng này sẽ không nhiều.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bị cách ly y tế, ngày 26/5.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bị cách ly y tế, ngày 26/5.

Hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (NHTD) chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, phức tạp từ các tỉnh chuyển đến. Hơn 300 bệnh nhân đang được điều trị tại đây. Trong đó có 60 bệnh nhân nặng và nguy kịch nằm tại khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực. Các bệnh nhân nhẹ sẽ dần chuyển về các đơn vị điều trị tuyến dưới theo chủ trương chống dịch 4 tại chỗ của Chính phủ.

Theo thông cáo báo chí từ bệnh viện, trong 21 ngày cách ly, NHTD khoanh vùng dập dịch và tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 cho Hà Nội và các tỉnh phía bắc, trong đó có các ca bệnh nặng từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Bệnh viện K. 86 người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, 44 người bệnh âm tính 2 lần nhưng chưa đủ thời gian cách ly được chuyển tới các cơ sở y tế khác để tiếp tục cách ly và điều trị.

Theo bác sĩ Cấp, khó khăn của đợt dịch này là lực lượng nhân viên y tế tập trung hầu hết tại bệnh viện, không còn lực lượng hỗ trợ các đơn vị điều trị Covid-19 ban đầu ở các địa phương. Ông lo ngại nếu viêc kiểm soát, điều trị bệnh từ đầu không thực hiện tốt, có thể tỷ lệ diễn biến nặng sẽ cao lên, gây áp lực cho việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng sẽ tăng lên trong giai đoạn sau.

"Đợt dịch này là một thử thách, chúng ta phải sẵn sàng cho mọi tình huống để đối phó, thậm chí đợt dịch sau có thể sẽ phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn", bác sĩ Cấp nói.

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Tuyền, khoa Dinh Dưỡng, cho biết rất hồi hộp khi sắp được về với gia đình. Chị có 2 người con, trong đó một bé chuẩn bị lên lớp 2, một bé mới 2 tuổi. Những ngày mẹ đi cách ly, hai em bé tự trông nhau.

"Nhiều lúc gọi về nhà cho con, nhìn con, tôi xót ruột lắm. Nhưng không dám gọi nhiều, nhìn thấy con lại thấy rất nhớ. Một tuần về nhà thôi cũng rất là quý rồi", chị Tuyền cho biết.

Khi trở về nhà, chị sẽ tuân thủ cách ly nghiêm ngặt trong 7 ngày. Sau đó, chị sẽ lại sắp xếp việc nhà để lại vào bệnh viện giúp đỡ đồng nghiệp.

"Lúc đó, tôi mong những người khác cũng được trở về nhà", chị nói.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện