Thế giới

Cử tri khắp nước Mỹ "hăng hái" đi bỏ phiếu sớm

08:48, 15/10/2020
Số lượng người Mỹ đi bầu cử sớm ngày càng tăng, bất chấp tình hình dịch bệnh không suy giảm. Có nơi ghi nhận người dân phải xếp hàng tới 8 tiếng để chờ tới lượt bỏ phiếu.

"Hăng hái" là từ mà đài CNN dùng để miêu tả về dòng người xếp hàng trước các điểm có tổ chức bỏ phiếu sớm. Nhiều cử tri đã di chuyển tới các điểm bầu cử trên khắp nước Mỹ để bầu cho ứng viên tổng thống mà họ ủng hộ, dù còn 20 ngày nữa mới tới cuộc bầu cử chính thức.

"Tôi muốn lá phiếu của mình được đến tận nơi. Cuộc bầu cử năm nay vô cùng khác biệt. Tôi lo lắng về tất cả mọi thứ", cử tri Emilio Alvarado, 47 tuổi, nói với Los Angeles Times sau khi đã bầu cho ông Joe Biden tại Phoenix, Arizona.

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên mà bà Ramona Dameron, 56 tuổi, đi bỏ phiếu sớm tại Scottsdale, Arizona. Bà lo ngại nếu cuộc đua diễn ra quyết liệt ở bang này như dự báo của những hãng thăm dò, thì các quan chức bang (vốn là thành viên đảng Cộng hòa) sẽ can thiệp vì lợi ích của ông Trump.

"Tôi lo là họ có thể sẽ quyết định ngưng tiếp tục kiểm phiếu. Nên tôi muốn đi bầu cử sớm để chắc chắn tấm phiếu của mình sẽ được tính vào", bà Dameron nói.

Còn anh James Haycraft, 35 tuổi, cho biết lý do đi bỏ phiếu sớm là để bảo đảm tấm phiếu không thể thất lạc. "Tôi e ngại việc gửi phiếu qua bưu điện thì nó có thể không được chuyển đến đúng nơi tôi muốn", Haycraft nói sau khi đã bỏ phiếu bầu cho Tổng thống Trump.

Theo CNN, số cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp đông nhất được ghi nhận ở bang Georgia và Texas. Còn cử tri tại nhiều bang khác lựa chọn hình thức bỏ phiếu thông qua hệ thống bưu điện, dù Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo hình thức này tiềm ẩn nguy cơ gian lận.

Cử tri Mỹ xếp hàng dài chờ tới lượt bỏ phiếu ở bang Georgia. Ảnh: AP.
Cử tri Mỹ xếp hàng dài chờ tới lượt bỏ phiếu ở bang Georgia. Ảnh: AP.

Hơn 10 triệu người đã bỏ phiếu sớm

Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nỗ lực thuyết phục cử tri đi bỏ phiếu sớm. Điều này xuất phát từ lo ngại tình trạng đông đúc trong ngày bầu cử làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Tới trưa ngày 13/10, ngày đầu tiên các điểm bỏ phiếu ở bang Texas mở cửa, khoảng 50.000 phiếu đã được bỏ tại 122 điểm bầu cử sớm ở hạt Harris. Trong khi đó, hạt Tarrant chứng kiến hơn 20.000 cử tri đã bỏ phiếu.

Tại Georgia, bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa, nhiều cử tri đã xếp hàng tới 8 tiếng để có thể bỏ phiếu ngay trong ngày 12/10. Riêng trong thứ hai đầu tuần, 126.000 phiếu bầu đã được ghi nhận.

Tới thời điểm hiện tại, hơn 10,5 triệu cử tri Mỹ trên 41 bang đã bỏ phiếu lựa chọn tổng thống tiếp theo. Trong số này, hơn 6 triệu phiếu đến từ 16 bang được đánh giá là có sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai ứng viên.

Trong cuộc chạy đua năm 2016, khoảng 130 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trong năm nay được dự đoán sẽ ở mức cao.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri đảng Dân chủ có xu hướng ưu tiên bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua bưu điện hơn so với cử tri đảng Cộng hòa. Theo CNN, điều này có thể xuất phát từ những cáo buộc của Tổng thống Trump cho rằng gian lận đối với hệ thống bỏ phiếu qua bưu điện là điều khó tránh khỏi.

Thách thức kiên nhẫn của cử tri

Cuộc bầu cử năm 2020 được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử khó khăn nhất đối với cử tri Mỹ, trong bối cảnh lo ngại về lây nhiễm dịch bệnh.

Chờ đợi xếp hàng trong thời gian dài không phải trở ngại duy nhất đối với cử tri. Các trục trặc kỹ thuật tại điểm bầu cử, như ở thành phố Atlanta (bang Georgia), khiến bầu không khí giữa cử tri hai phe thêm căng thẳng.

Tại Virginia, hệ thống đăng ký trực tuyến dành cho cử tri đã gặp trục trặc trong nhiều giờ vào hôm 13/10, ngày cuối để cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu. Một liên minh các nhóm cử tri đã khởi kiện, và yêu cầu chính quyền bang kéo dài thời hạn đăng ký thêm 48 giờ.

Cuộc chiến pháp lý nổ ra ở nhiều bang liên quan tới thủ tục và địa điểm tiến hành bỏ phiếu.

Tòa án phúc thẩm bang Texas hôm 12/10 đã chấp thuận việc triển khai chỉ thị của Thống đốc Greg Abbott. Theo đó, bang này chỉ công nhận một hòm phiếu đặt tại mỗi hạt.

Một điểm bỏ phiếu sớm ở thành phố Baltimore. Ảnh: Baltimore Sun.
Một điểm bỏ phiếu sớm ở thành phố Baltimore. Ảnh: Baltimore Sun.

Quyết định này khiến một số địa điểm bỏ phiếu, như tại hạt Harris với 4,7 triệu dân, quá tải trầm trọng. Tại nhiều khu vực ở Texas, cử tri phải lái xe xếp hàng dài chờ tới lượt bỏ phiếu tại các điểm bầu cử.

Trong khi đó, các quan chức California, thành trì của đảng Dân chủ trong nhiều năm, buộc phe Cộng hòa hủy bỏ những hòm phiếu không chính thức. Họ cho rằng các hòm phiếu này không bảo đảm về an ninh và quản lý.

Tại Pennsylvania, tòa án quận Western đã bác bỏ cáo buộc của phe Cộng hòa khi cho rằng hệ thống bỏ phiếu và kiểm phiếu tại bang này có thể bị gian lận.

Trong khi đó, một thẩm phán tòa án liên bang đã bác đề nghị của bang Florida về việc kéo dài thời hạn đăng ký cho cử tri.

Chạy đua giành thêm phiếu

Cả Tổng thống Trump và ứng viên Joe Biden đều bận rộn với cuộc chạy đua giành thêm phiếu bầu từ các cử tri còn chưa quyết định.

Tối ngày 13/10, ông chủ Nhà Trắng đã có chuyến đi tới Pennsylvania, bang được đánh giá sẽ quyết định số phận cuộc đua ngày 3/11. Trong cuộc bầu cử năm 2016, Tổng thống Trump đã bất ngờ giành chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton với kết quả sát nút.

Sau Pennsylvania, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục chiến dịch vận động tại Iowa, North Carolina và Georgia. Đây đều là những bang chiến trường trọng yếu mà ông từng thắng năm 2016.

Các cuộc vận động của Tổng thống Trump thu hút sự tham gia của đám đông cử tri ủng hộ. Điều này đi ngược lại các khuyến nghị về giãn cách xã hội để phòng dịch. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc vận động lớn trong những ngày tới.

Tổng thống Mỹ trong cuộc vận động ở Pennsylvania. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ trong cuộc vận động ở Pennsylvania. Ảnh: AP.

Bộ đôi ứng viên Dân chủ cũng đang đẩy mạnh chiến dịch vận động. Tại bang trọng yếu Florida, ông Biden hôm 12/10 đã chỉ trích biện pháp chống dịch của Tổng thống Trump là coi thường sự an toàn của người Mỹ cao tuổi.

"Hiện thực đau đớn trở nên sáng tỏ, phản ứng ngạo mạn, bất cẩn trong đối phó đại dịch Covid-19 của ông ấy (Tổng thống Trump) đã tạo ra một trong những thảm kịch tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ. Người cao tuổi duy nhất mà Donald Trump quan tâm chính là ông ta", ông Biden chỉ trích.

Trong khi đó, ứng viên phó tổng thống của phe Dân chủ Kamala Harris sử dụng cuộc điều trần của ứng viên thẩm phán Tòa Tối cao, bà Amy Coney Barrett, để phát đi thông điệp tới cử tri.

Bà Harris cảnh báo nguy cơ đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, hay còn gọi là Obamacare, sẽ sớm bị hủy bỏ nếu đảng Cộng hòa đồng thời nắm Nhà Trắng, Thượng viện và đa số tại Tòa án Tối cao.

Tới nay, đảng Dân chủ hầu như không thể làm gì để ngăn bà Barrett được bổ nhiệm.

Theo thăm dò dư luận mới nhất của CNN, Tổng thống Trump đang bị ứng viên Joe Biden bỏ xa 11 điểm trên toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả thăm dò có thể không phản ánh đầy đủ quan điểm của cử tri, nếu xét tới diễn biến cuộc bầu cử năm 2016.

Theo Zing

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện