Theo CNN, các biện pháp trừng phạt này được tiến hành dựa theo Đạo luật Tự trị Hong Kong, được Mỹ thông qua vào năm ngoái để đáp trả việc Bắc Kinh áp đặt Đạo luật an ninh quốc gia mới ở đặc khu hành chính.
Những người nằm trong lệnh trừng phạt mới bao gồm nhiều thành viên cấp cao của Quốc hội Trung Quốc ở đại lục cùng các quan chức thực thi pháp luật ở đặc khu Hong Kong. Trước đó, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và một số chỉ huy cảnh sát cấp cao tại Hong Kong cũng bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt.
Ảnh: Reuters |
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 16/3 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết động thái này nhằm đáp trả những hạn chế mới do Bắc Kinh đưa ra đối với quyền bầu cử và ứng cử của người dân Hong Kong vào hội đồng lập pháp của đặc khu.
"Hành động này tiếp tục làm suy yếu mức độ tự trị từng được hứa hẹn với người dân Hong Kong và phủ nhận tiếng nói của người Hong Kong trong chính quyền của họ, động thái mà Anh tuyên bố đã vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh", ông Blinken cho biết trong tuyên bố.
Bắc Kinh hiện vẫn chưa đưa ra phản ứng về các lệnh trừng phạt mới. Dù vậy, nhiều nhà quan sát đã ngay lập tức nhận định rằng, hành động quyết liệt này của Washington có thể khiến cuộc họp thượng đỉnh giữa giới chức ngoại giao hai nước bị hủy bỏ.
Động thái trên diễn ra sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken có một cuộc họp bàn tròn với báo giới Nhật Bản ở thủ đô Tokyo hôm 16/3. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những hành động "hung hăng và mang tính áp chế" của Trung Quốc ở những vùng biển đang tranh chấp với các quốc gia khác.
Đáp lại những bình luận này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, các hoạt động trao đổi giữa Mỹ và Nhật Bản cần phải giúp tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, và "không nhằm mục tiêu hoặc làm suy yếu lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin